(Thanhhoa.dcs.vn): Ngay sau khi Trung ương phê duyệt các Chương trình và ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện kịp thời việc thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và phân công đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo, trong khi ở hầu hết các tỉnh, thành khác, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp do đồng chí Chủ tịch UBND đảm nhiệm. Việc quy định đồng chí Bí thư cấp ủy giữ chức danh này đã giúp tăng cường vai trò, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai thực hiện các Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2021 đến nay, các ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp với 12 cơ quan báo chí biên soạn và đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo; giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; tổ chức 20 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo tại cộng đồng, với hơn 2.500 người tham gia; xây dựng hàng trăm cụm pa-nô, áp-phích; xuất bản trên 5.000 ấn phẩm thông tin về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; in, cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi tuyên truyền về công tác giảm nghèo cho các địa phương trong tỉnh...

Công tác cân đối ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình được quan tâm thực hiện. Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và quy định của Trung ương về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và hằng năm giai đoạn 2021-2023; quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các Chương trình MTQG; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương hằng năm giai đoạn 2021-2023 để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; trong đó, bảo đảm tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương đạt tối thiểu 10%/tổng vốn trung ương giao và thực hiện khi phê duyệt đối với từng dự án cụ thể.

Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 07 dự án, với 11 tiểu dự án thành phần; cụ thể: Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (gồm: Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Tiểu dự án 2 - Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, ĐBKK giai đoạn 2022-2025); Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (gồm: Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiểu dự án 2 - Cải thiện dinh dưỡng); Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (gồm: Tiểu dự án 1 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiểu dự án 3 - Hỗ trợ việc làm bền vững); Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (gồm: Tiểu dự án 1 - Giảm nghèo về thông tin; Tiểu dự án 2 - Truyền thông về giảm nghèo đa chiều); Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình (gồm: Tiểu dự án 1 - Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình; Tiểu dự án 2 - Giám sát, đánh giá).

Từ năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Thanh Hóa là 945.033 triệu đồng (trong đó: Năm 2021 không được phân bổ; năm 2022 là 486.183 triệu đồng; năm 2023 là 458.850 triệu đồng), đã giải ngân 303.301 triệu đồng, đạt 32,09%; tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao là 685.135 triệu đồng, trong đó: Năm 2021 là 37.455 triệu đồng, đã giải ngân 19.455 triệu đồng, đạt 51,94%; năm 2022 là 132.965 triệu đồng, đã giải ngân 21.898 triệu đồng, đạt 16,47%; năm 2023 là 514.715 triệu đồng, các địa phương đang xây dựng dự toán chi tiết để triển khai thực hiện.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện để người dân ở các vùng nghèo tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như: Đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện... Đặc biệt, Chương trình đã huy động được sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ; tăng cường sự tương tác và gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với các đơn vị liên quan trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói và phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; toàn tỉnh đã xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng; 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã ĐBKK có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất; đã giải ngân 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội (đạt 100% kế hoạch) giúp cho 71,48 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, bình quân 63,2 triệu đồng/hộ... Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh; cụ thể: Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021) giảm từ 2,20% xuống còn 1,51% (từ 21.923 hộ xuống còn 15.125 hộ); năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) giảm từ 6,77% xuống còn 4,99% (từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra (giảm 1,5%). Ước đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,79% (tương ứng còn 37.936 hộ).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới dự báo tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, do phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của tỉnh sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ĐBKK; có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Bên cạnh đó, các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Tình hình dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác giảm nghèo của nước ta nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trong thời gian tới, kiến nghị các cấp, các ngành triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, người cận nghèo.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động đối thoại chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân, người nghèo, người cận nghèo được phát biểu ý kiến, nguyện vọng để đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương. Tiếp tục triển khai, thực hiện sâu rộng, có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Thanh Hóa chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách giảm nghèo đến các cộng đồng dân cư, các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy trách nhiệm của bản thân người nghèo để chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ba là, triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; các nội dung của dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hàng năm và giai đoạn; triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ giảm nghèo theo hướng nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn, giảm dần chính sách cho không và mở rộng chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phát huy và nhân rộng các mô hình, dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Ưu tiên đầu tư nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo cho những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, người cận nghèo nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo.

Bốn là, thường xuyên thu thập, phân tích, cập nhật thông tin, đánh giá đúng thực trạng nghèo, đặc biệt là nguyên nhân nghèo, mức độ thiếu hụt các chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp giảm nghèo đến từng hộ nghèo, bảo đảm thiết thực, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)