(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phát triển doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhóm đối tượng doanh nghiệp để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thành lập mới doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khó khăn tái gia nhập thị trường, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và các địa phương.
Tính đến ngày 22/9/2021, toàn tỉnh có 2.909 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 13,31% so với cùng kỳ, gồm: (1) Thành lập mới 2.072 doanh nghiệp, bằng 69,1% kế hoạch, tăng 9,3% so với cùng kỳ (đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 7 của cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới), tổng vốn điều lệ đăng ký 24.562 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, bình quân mỗi doanh nghiệp đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ; (2) Doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động là 837 doanh nghiệp, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Đã cấp thay đổi nội dung đăng ký cho 2.404 lượt doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, tăng 2,7% so với cùng kỳ; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho 142 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ; thông báo thay đổi cho 769 lượt doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, giảm 27,6% so với cùng kỳ. Công tác cải cách thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp được tập trung chỉ đạo thực hiện; Chủ tịch UBND tỉnh duy trì đều đặn việc tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng, đã giải quyết 42 kiến nghị của 28 doanh nghiệp; 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được cấp đúng và trước thời hạn quy định; tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp đạt 83,83%, tăng 25,34% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Lũy kế nộp ngân sách nhà nước khu vực doanh nghiệp ước đạt 5.553,1 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng thu nội địa, bằng 85,4% dự toán, tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong đó: Doanh nghiệp nhà nước Trung ương nộp 1.221,5 tỷ đồng, bằng 79,3% dự toán; doanh nghiệp nhà nước địa phương 72,4 tỷ đồng, bằng 80,4% dự toán; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.878,8 tỷ đồng, bằng 96% dự toán; doanh nghiệp khu vực dân doanh 1.380,4 tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Chất lượng doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Toàn tỉnh có 1.135 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tăng 28,2% so với cùng kỳ (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo...); 243 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; một số địa phương thành lập doanh nghiệp mới đạt thấp (dưới 50% kế hoạch), như: huyện Quan Sơn đạt 35%, huyện Mường Lát 40%... Một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp ngân sách nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ, như: Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa nộp ngân sách nhà nước đạt 67,4% kế hoạch, giảm 28,6% so với cùng kỳ; Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn đạt 78,3% kế hoạch, giảm 27,7%; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I đạt 71,9% kế hoạch, giảm 10,8%.