(Thanhhoa.dcs.vn): Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 / 20-10-2021), 11 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-2010 / 20-10-2021) và hướng tới Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài viết: “ĐOÀN KẾT, NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO, ĐƯA CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THANH HÓA SỚM TRỞ THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI Ở PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC”. Cổng Thông tin điển tử Tỉnh ủy Thanh Hóa xin giới thiệu toàn văn bài viết:
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, lớp lớp các thế hệ phụ nữ Xứ Thanh luôn nêu cao tinh thần yêu nước, có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam. Ngay vào thế kỷ thứ III, không cam chịu ách độ hộ tàn bạo của nhà Ngô, khi tuổi đời còn rất trẻ, nữ anh hùng Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa, quyết tâm giành lại quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa đã làm “chấn động Giao Châu”, tuy chưa đến được với mục tiêu cuối cùng, nhưng hình ảnh oai phong, dũng mãnh, cưỡi voi xung trận và câu nói nổi tiếng thể hiện khí phách anh hùng“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta”[1], đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của Nhân dân ta và của phụ nữ Thanh Hóa.
Trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Thanh Hóa luôn được phát huy cao độ. Với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, các mẹ, các chị đã tích cực tham gia các phong trào thi đua “3 giỏi”, “ba đảm đang”, “giết giặc lập công”,… Nhiều tấm gương trong học tập, lao động và công tác, chiến đấu, hy sinh của phụ nữ Thanh Hóa như các nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển, Lê Thị Mịch, Lê Thị Cửu, của các chị Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc,… đã đi vào lịch sử hào hùng, trở thành khúc tráng ca yêu nước của phụ nữ Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ phụ nữ đi trước, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thanh Hóa và cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, các cấp hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, cùng nhau chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ, cùng nhau sản xuất, phát triển kinh tế, khởi nghiệp và kinh doanh.
Các cấp hội đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 02 cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ trong các phong trào thi đua, cuộc vận động và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm do Trung ương Hội phát động, đã xuất hiện nhiều mô hình mang bản sắc riêng của phụ nữ xứ Thanh, thu hút đông đảo hội viên tham gia, như: “Nhà sạch – vườn mẫu”, “Nhà sạch – vườn đẹp”, “Làng quê, khu dân cư an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Tổ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - vì sức khỏe cộng đồng”,…; trong đó nhiều mô hình, sáng kiến, đề tài trở thành điểm sáng trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh và được Trung ương Hội đánh giá cao, nhân rộng ra toàn quốc. Trong 5 năm, các cấp hội đã giúp cho 147.761 gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”, 10.843 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ xây dựng 153 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ; tổ chức đào tạo nghề cho 49.118 lao động nữ; giúp 15.075 phụ nữ thoát nghèo…
Với phương châm “Không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ứng phó với thiên tai, các cấp hội đã vận động, tổ chức cho hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, nhất là “hậu cần tại chỗ” và tham gia tích cực vào hoạt động của các Tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng; đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn; ủng hộ sức người, sức của cho công cuộc phòng, chống thiên tai và dịch bệnh với tổng trị giá 49 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện giám sát và phản biện xã hội, mở rộng công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường. Qua hoạt động thực tiễn, các cấp hội được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ hội từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ngày càng tăng. Các cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và những phẩm chất tốt đẹp, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội, góp phần quan trọng cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Từ thực tiễn hoạt động, phụ nữ ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của đông đảo phụ nữ và là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với chị em phụ nữ.
*
* *
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu luôn quan tâm và trăn trở làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi xiềng xích nô lệ, giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển, tiến bộ. Người nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[2], ''Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng"[3], "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại"[4]. Ngày nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ và luôn khẳng định phụ nữ là lực lượng to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”[5].
Để công tác hội và phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, có tác động sâu sắc, mang lại hiệu quả thiết thực; tôi đề nghị các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chương trình trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ, để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh, của địa phương, đơn vị, cụ thể hóa thành nội dung hoạt động phù hợp với nhiệm vụ, chức năng công tác hội. Theo đó, nội dung hoạt động của hội phải hướng tới xây dựng, phát triển những mô hình tiên tiến trong công tác hội và phong trào phụ nữ với việc khơi dậy và phát huy tính tích cực của chị em, xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ kính yêu đã từng trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Anh hùng trong thời kỳ mới là anh hùng trong sản xuất, học tập và công tác, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phát triển bền vững, để thành công trong cạnh tranh ở thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển. Mỗi hội viên phụ nữ phải là một tuyên truyền viên, một người làm tổ chức; đồng thời là một hội viên tích cực trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030; tạo mọi điều kiện và cơ hội tốt nhất để phụ nữ học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về mọi mặt; phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ vươn lên làm chủ khoa học, kỹ thuật hiện đại, hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất, tạo điều kiện để chị em phát huy cao khả năng đóng góp của mình cho xã hội. Phát huy vai trò của các cấp hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và tiếp thu ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là đối với các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội, lấy tổ dân phố, thôn, làng, bản làm địa bàn tổ chức hoạt động, cải tiến hình thức sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, đồng thời khắc phục bằng được tình trạng hành chính hóa. Lấy kết quả sự chuyển biến của phụ nữ ở cơ sở làm thước đo về chất lượng và hiệu quả công tác Hội, phong trào phụ nữ. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua do Hội phát động và là nòng cốt, đặc biệt là các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”... Triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), bằng những công việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Người phụ nữ Thanh Hóa giàu lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, giàu lòng nhân hậu. Huy động toàn xã hội cùng vào cuộc nhằm xây dựng các phong trào, giúp đỡ và tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình do phụ nữ làm chủ.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ, phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân ái. Tăng cường hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục con ở tuổi vị thành niên, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với ông bà, cha mẹ, trẻ em, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống gia đình.
Thứ năm, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở hội vững mạnh toàn diện; đa dạng hóa các mô hình tập hợp, thu hút hội viên. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của công tác hội và phong trào phụ nữ. Muốn vậy, phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, phát hiện cán bộ giỏi, cán bộ trẻ để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ nữ và làm tốt công tác lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng để phát triển đảng viên nữ...
Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, truyền thống phụ nữ quê hương Bà Triệu anh hùng, cùng với sự giúp đỡ của Trung ương Hội, sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, nhất định các công tác hội và phong trào phụ nữ tỉnh ta sẽ ngày càng phát triển, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước.
Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 / 20-10-2021), 11 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-2010 / 20-10-2021) và hướng tới Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, xin chúc các mẹ, các bác, các cô, cùng toàn thể chị em phụ nữ tỉnh nhà luôn luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm hạnh phúc và thành công./.
[1] Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, 1999, trang 38.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H- 2009, tập 6, tr 432.
[3] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 11, tr.621.
[4] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 12, tr.148.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, H-2021, tập 1, tr 169.