Chiều 24-12, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020”. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành cấp tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Trong giai đoạn 2012-2020, cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đến các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị một cách hiệu quả, bằng việc số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng qua từng năm.

Công ty CP chế biến và xuất khẩu nông sản Việt, phường Long Anh, TP Thanh Hóa.

Đến cuối tháng 12-2020, toàn quốc có gần 16,2 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 5,6 triệu người so với năm 2012; khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90%,97% dân số cả nước. Theo đó, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm, góp phần giảm mức chi trả của người dân trong chăm sóc sức khỏe.

Chính sách BHYT đã từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, nhất là góp phần giảm nguy cơ đói nghèo đối với người dân sinh sống ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chính sách BHXH đã thay thế, bù đắp một phần cho người lao động khi gặp rủi ro trong cuộc sống; giúp hàng triệu người lao động khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động ổn định cuộc sống.

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng BHYT ngày càng nâng cao; các thủ tục hành chính liên quan đến BHXH, BHYT cũng được cải cách, giảm phiền hà và bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong 8 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Cụ thể, diện phủ BHXH thấp và có sự chênh lệch lớn giữ các tỉnh, thành phố trong cả nước, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở nhiều địa phương còn thấp. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung. Quỹ BHXH đầu tư chưa đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời, bội chi BHYT có xu hướng tăng. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Công tác quản lý quỹ BHXH, BHYT có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ để xảy ra vi phạm pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, đầu tư quỹ BHXH, BHYT chưa toàn diện, thiếu sự chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời sai phạm, tiêu cực.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị tại địa phương, đơn vị; công tác cải cách thủ tục hành chính, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT. Đồng thời, đề xuất các giải pháp trong việc tiếp tục thực hiện chính sách BHXH, BHYT như: Xác định rõ vai trò, trach nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị và tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động; công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHXH, BHYT; công tác tuyên truyền, vận động người lao động, Nhân dân tham gia BHXH, BHYT, hướng tới BHXH toàn dân.

Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khẳng định: Sau 8 năm triển khai, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần to lớn trong bảo đảm an sinh xã hội thông qua các chính sách của BHXH, BHYT, đồng tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Với quan điểm phát triển hệ thống bảo hiểm linh hoạt, đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế, chăm lo tốt hơn nữa sức khẻo của Nhân dân, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, các bộ, ngành ở Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH hội theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.

Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta đang xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó trước hết đòi hỏi phải tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công, với chức năng cung ứng dịch vụ công, trong đó có dịch vụ BHXH, BHYT; tạo điều kiện cung ứng dịch vụ công cho các đối tượng ngoài công lập khác.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong điều kiện đó, đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của đại bộ phận Nhân dân tiếp tục được nâng cao, nhu cầu được đáp ứng các dịch vụ nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Quá trình hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho ngành BHXH tiếp cận thông tin, tiếp cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ BHXH, BHYT; bắt kịp xu hướng của khu vực và thế giới. Việt Nam phải thực hiện các cam kết điều tra quốc tế trong lĩnh vực lao động, lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực BHXH, BHYT. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, từ đó sẽ xuất hiện nhiều quan hệ lao động mới. Đồng thời, thị trường lao động quốc gia có xu thế hội nhập sâu rộng hơn với thị trường quốc tế và khu vực.

Trước bối cảnh trên, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm lao động dễ bị bị tổn thương. Đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH cũng như đối với phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực BHXH, BHYT; mở rộng hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý về BHXH, BHYT.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Tuấn Sinh đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Cải cách chính sách BHXH”. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh phối hợp thanh tra, kiểm tra, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý, thực hiện nghĩa vụ BHXH.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT. Tập trung khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định tại Luật BHXH để BHXH được phổ biến tới từng gia đình, từng người dân. Tích cực cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các chế độ chính sách về BHXH, BHYT.

Cùng với đó, ngành BHXH tỉnh cần đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quá trình triển khai thực hiện để tăng hiệu quả của hoạt động, góp phần an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm.

(Nguồn:baothanhhoa.vn)