(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 13/11/2021, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”. Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 45-KH/TU về thực hiện Nghị quyết, với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; đồng thời tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh, sớm đưa các cơ chế, chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả để tăng thêm nguồn lực, động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
- Làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; trước mắt là việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa và trình tự, thủ tục thực hiện các cơ chế, chính sách, làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phát huy tối đa lợi thế, cơ hội mà các cơ chế, chính sách mang lại cho tỉnh trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất.
- Gắn việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã đề ra và các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
- Kế hoạch hành động là căn cứ để các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện; đồng thời là căn cứ để kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV trên địa bàn tỉnh.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh Thanh Hóa
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; trong đó phải nhận thức sâu sắc, việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quốc hội (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa”, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP “Về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị” là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh Thanh Hóa, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững; đồng thời phải tuyên truyền, làm rõ: các cơ chế, chính sách đặc thù không tự thân mang lại hiệu quả mà phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục về chủ đề xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; tổ chức tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ, sâu rộng về nội dung của các Nghị quyết, về nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận, thống nhất cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết.
*Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế của tỉnh
Căn cứ Công văn số 8815/VPCP-QHĐP ngày 02/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về triển khai một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV, làm cơ sở để tổ chức thực hiện; tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp với các cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản cụ thể hóa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thực hiện đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.
* Thời gian thực hiện: Năm 2021 - tháng 6/2022.
3. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù
3.1. Các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước
3.1.1. Chính sách về mức dư nợ vay
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh:
- Rà soát, tổng hợp các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của tỉnh cần thiết phải đầu tư nhưng chưa có trong Kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để xem xét, đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và tổ chức khác trong nước, từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho tỉnh vay lại, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quý I năm 2022.
- Xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; kế hoạch vay, trả nợ vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước, từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho tỉnh vay lại trong giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm, bảo đảm tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; trong đó, phải đánh giá kỹ khả năng giải ngân vốn của các dự án, đặc biệt khả năng trả nợ vay của ngân sách tỉnh, bảo đảm an toàn, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quý I năm 2022.
3.1.2. Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh:
- Đấu mối, làm việc với Bộ Tài chính để được hướng dẫn việc tính toán, bóc tách, xác định cụ thể số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, làm căn cứ triển khai thực hiện chính sách để lại tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, hoàn thành trong tháng 12 năm 2021.
- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tổng hợp, thống kê số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; trên cơ sở đó, xác định số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung ngân sách Trung ương có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa từ khoản tăng thu này ở mức cao nhất (70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn).
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, bảo đảm thu đúng, thu đủ, đồng thời có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu luôn vượt thu ở mức cao.
- Rà soát, đề xuất các nội dung, hạng mục công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa từ nguồn tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
3.1.3. Chính sách về thu từ xử lý nhà, đất
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chủ động làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh để đề xuất, thống nhất phương án xử lý; trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng phương án bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quý I năm 2022.
3.1.4. Chính sách về phí, lệ phí
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng phương án (đề án) thí điểm áp dụng các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí (trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí) đã được cấp có thẩm quyền quyết định (trừ án phí, lệ phí Tòa án) theo lộ trình phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quý I năm 2022.
3.1.5. Chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn Trung ương phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh theo quy định.
3.2. Các quy định phân cấp về quản lý đất đai, rừng
3.2.1. Quy định phân cấp về quản lý đất đai
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh:
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
- Phối hợp với các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành chính sách đặc thù về quản lý đất đai như tỉnh Thanh Hóa để trao đổi kinh nghiệm và cùng đấu mối, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này.
- Rà soát, đề xuất các dự án, công trình cần chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha, đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; các dự án, công trình cần chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, báo cáo cấp có thẩm quyền trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình thực hiện phải lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công khai, minh bạch, bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.2.2. Quy định phân cấp về quản lý rừng
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh:
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Thanh Hóa, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
- Phối hợp với các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành chính sách đặc thù về quản lý rừng như tỉnh Thanh Hóa để trao đổi kinh nghiệm và cùng đấu mối, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này.
- Rà soát, đề xuất các dự án, công trình cần chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Trong quá trình thực hiện phải lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, công khai, minh bạch, bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3.3. Các quy định về phân cấp quản lý quy hoạch
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị do Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
- Phối hợp với các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch như tỉnh Thanh Hóa để trao đổi kinh nghiệm và cùng đấu mối, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này.
- Rà soát, tổng hợp, đề xuất những nội dung cần thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền của tỉnh xem xét, quyết định; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phân cấp của Thủ tướng Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội; rà soát, bổ sung một số sở, ngành, địa phương của tỉnh, cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tham gia thành viên Ban Chỉ đạo.
2. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội và Kế hoạch hành động này bằng các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm, các nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực và tăng cường giám sát việc thực hiện.
3. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh:
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động này; phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, nội dung công việc đề ra trong Kế hoạch; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách tương đồng như tỉnh Thanh Hóa để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết của Quốc hội.
- Thường xuyên theo dõi, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội; tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026.
4. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện.
5. Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các Ban của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.