Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần so với trước kia, đây được xem là “liều thuốc” để ngăn chặn các hành vi vi phạm dẫn đến mất an toàn giao thông.

Lực lượng cảnh sát giao thông – trật tự Công an huyện Bá Thước, kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 đã tác động tích cực đến ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, góp phần tăng cường văn hóa giao thông lành mạnh trong quần chúng Nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 100, các phòng chức năng của Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; xây dựng các kế hoạch chuyên đề, như: kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kế hoạch xử lý vi phạm làn đường, tốc độ... Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng Công an tỉnh phát hiện lập biên bản xử lý 120.273 trường hợp, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 212,5 tỷ đồng, tạm giữ 18.747 phương tiện, tước giấy phép lái xe 9.145 trường hợp. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tập trung xử lý 7.364 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phạt tiền trên 26,9 tỷ đồng.

Đại úy Nguyễn Văn Triều, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Bá Thước, cho biết: Thời gian qua, huyện Bá Thước quyết liệt trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ. Nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn đã có những chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông giảm, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của Nhân dân địa phương. Trước đây, khi Nghị định 100 chưa ra đời, việc uống rượu, bia của không ít người gần như mất sự kiểm soát, đây là một trong những thói quen khó thay đổi của người dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Từ khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, CSGT-TT đi làm nhiệm vụ ngoài việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, còn tuyên truyền sâu rộng về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ tới tất cả người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng CSGT-TT cũng gặp một số khó khăn như: Nhiều đối tượng vi phạm những quy định trong Nghị định 100 đã phản ứng gay gắt khi các cán bộ, chiến sĩ CSGT yêu cầu dừng xe; vì mức phạt trong Nghị định 100 rất cao so với thu nhập của người dân ở những vùng khó khăn, nên khi bị xử phạt, nhiều người không nộp phạt, bỏ phương tiện lại, đồng nghĩa với việc xe vi phạm tồn ở bãi rất nhiều. Riêng năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng CSGT-TT Công an huyện Bá Thước đã xử phạt, lập biên bản hơn 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền trên 1 tỷ đồng; tạm giữ hơn 300 phương tiện.

“Từ 0h ngày 15-3, Công an huyện Bá Thước đã ra quân thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát, xử lý theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Theo đó, Công an huyện Bá Thước đã tiến hành tuần tra, lập chốt kiểm soát và thực hiện kiểm tra các phương tiện lưu thông, xử lý người đi xe ô tô, xe máy, xe gắn máy trên các tuyến đường tỉnh, đường liên xã, các địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông, khu vực nhà hàng, quán ăn... Hầu hết người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi được kiểm tra đều tuân thủ, chấp hành nghiêm theo hiệu lệnh của CSGT-TT. Tính từ 0h ngày 15-3 đến nay, lực lượng CSGT-TT Công an huyện đã xử phạt 60 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 60 phương tiện, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 200 triệu đồng” - Đại úy Nguyễn Văn Triều chia sẻ thêm.

Sau hơn 1 năm Nghị định 100 của Chính phủ đi vào cuộc sống, đã góp phần làm thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông và các hệ quả tiêu cực của tình trạng lạm dụng rượu, bia. Ðây là tín hiệu tích cực, góp phần bảo đảm tình hình trật tự, an toàn giao thông, kéo giảm số vụ tai nạn, va chạm giao thông và những hệ lụy do rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, loại bỏ sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 100 đạt được hiệu quả cao hơn nữa, bên cạnh nhiệm vụ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng CSGT tích cực tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để mỗi người dân tự nâng cao ý thức chấp hành vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.

(Nguồn:baothanhhoa.vn)