Chiều ngày 11-8-2021, tại Phiên họp Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trực tuyến toàn quốc với các địa phương thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; tình hình và các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại năm 2021; thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu tham luận. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa, xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND.
Trước hết, tỉnh Thanh Hóa xin thống nhất cao với nội dung các báo cáo tại Hội nghị. Được tham gia phát biểu, tôi xin phát biểu ba vấn đề.
Có thể khẳng định, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19; nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành, quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2021 của cả nước đã đạt những kết quả tích cực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.
I- Về tình hình 7 tháng năm 2021
Với đặc thù của 01 tỉnh địa bàn rộng, dân số đông, địa hình đa dạng; bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, đáng chú ý là:
Tỉnh đã tập trung cao nhất cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Xác định công tác phòng chống dịch phải đi trước một bước, cao hơn một bước, Thanh Hóa đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả như: Đoàn kết, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; “Lấy dân làm gốc”, thành lập và phát huy cao độ vai trò của các tổ giám sát cộng đồng, phát hiện nhanh F0, chặn đứng nguồn lây, các tổ phản ứng nhanh khẩn trương rút ngắn thời gian truy vết F1, F2, xét nghiệm khẩn trương, điều trị tích cực, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; làm tốt công tác tiếp nhận, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nhầ là đã vận động Nhân dân nhường nhà phục vụ công tác cách ly cho đồng bào từ các tỉnh trở về; kịp thời hỗ trợ nhân lực y tế và 20 tỷ đồng, 2.200 tấn hàng hóa thiết yếu cho một số tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh… Vì vậy, mặc dù có số lượng công dân trở về quê hương khá lớn, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ca dương tính với SAR-CoV-2 trong cộng đồng, hơn 140 trường hợp F0 trong các khu cách ly tập trung, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt, không để lây lan ra diện rộng, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường.
Do phòng, chống dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 8,66%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong 7 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,8%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,3%; giá trị xuất khẩu đạt 2,52 tỷ USD, tăng 36,1%; thu ngân sách nhà nước đạt 19.412 tỷ đồng, tăng 13,9% và bằng 73% dự toán; thành lập mới 1.730 doanh nghiệp, tăng 15,4%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 67,7% kế hoạch, tăng 15,6%, nằm trong nhóm 4 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước… Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách an sinh xã hội; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
II- Về phương hướng, nhiệm vụ của những tháng còn lại năm 2021.
Chỉ còn hơn 4 tháng rưỡi nữa chúng ta sẽ kết thúc năm 2021. Đây là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021. Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm một số nhiệm vụ, giải pháp đó là:
Thứ nhất, nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ xây dựng kịch bản phục hồi cho cả nền kinh tế nói chung và từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng với mức độ ưu tiên tương ứng với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, để từng bước dịch chuyển đời sống kinh tế - xã hội từ phòng, chống sang trạng thái thích ứng, tấn công dịch bệnh.
Thứ hai, dưới tác động của đại dịch Covid-19, ngoài đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa thì sẽ xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động tại các thành phố lớn sau khi dịch được khống chế do một lượng lớn người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trở về quê hương. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lực lượng lao động sau khi trở lại hoạt động.
Thứ ba, Từ nay đến giữa quý IV năm 2021 là cao điểm của mùa mữa bão, lũ lụt; vì vậy đề nghị cần làm tốt công tác dự báo thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, bão lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra.
Thứ tư, trong giai đoạn 2016-2020, công tác huy động, phân bổ nguồn lực đã đạt được nhiều kết quả tích cực; song chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn có hạn chế. Đề nghị nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực môi trường, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch..., nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi.
Thứ năm, kết quả xếp hạng của các tổ chức quốc tế cũng như từ thực tiễn cho thấy, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa đáp ứng được như kỳ vọng; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn yếu. Đề nghị bổ sung thêm các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
III- Về một số đề xuất, kiến nghị cụ thể; tại phiên họp này, tỉnh Thanh Hóa xin đề xuất, kiến nghị về 5 nội dung:
Một là, Vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời ban hành Nghị quyết số 29 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Chính phủ sớm có quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, các bộ quản lý sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, để các địa phương có cơ sở triển khai ngay trong năm 2021 và những ngày đầu năm 2022.
Hai là, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cả một số loại vật tư trong ngành xây dựng (như thép, xăng dầu…) biến động theo chiều hướng tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các dự án của doanh nghiệp, nhất là các gói thầu thực hiện theo hợp đồng trọn gói. Vì vậy, nếu doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ dẫn đến nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản, nhưng nếu không thực hiện thì sẽ vi phạm các Điều khoản hợp đồng và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Ba là, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội vay thêm vốn nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng thời gian cơ cấu nợ, mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, giãn, hoãn, giảm lãi suất cho tất cả các khoản vay tại ngân hàng, giảm phí bảo lãnh, phí cam kết cho vay, có cơ chế linh hoạt trong các khoản vay trung, dài hạn và đánh giá lại tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Bốn là, Thanh Hóa đang phòng, chống dịch Covid-19 rất thành công, nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Là tỉnh có 3,7 triệu dân; nhưng đến nay, qua 3 đợt dịch, Trung ương mới phân bổ cho Thanh Hóa số lượng liều vắc xin có hạn. Để kịp thời động viên các cá nhân, đơn vị tham gia phòng, chống dịch và có thêm vắc-xin để tiêm cho công nhân, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế; đề nghị Chính phủ bổ sung thêm vắc-xin để Thanh Hóa mở rộng đối tượng, nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin trong cộng đồng.
Năm là, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; tỉnh Thanh Hóa đã giảm 79 xã khu vực III, 59 xã khu vực II, 681 thôn đặc biệt khó khăn, dẫn đến có 345.182 người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ không được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngày 04/6/2021 (ngày Quyết định số 861 có hiệu lực), dẫn đến gián đoạn việc khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế của người dân, nhất là những người đang điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh. Đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho 345.182 người dân bị ảnh hưởng của tỉnh tiếp tục được hưởng chính sách mua Bảo hiểm y tế đến hết ngày 31/12/2021.
Cuối cùng, xin kính chúc đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!