(Thanhhoa.dcs.vn): Năm 2021, các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và 05 huyện biên giới đã chủ động tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Đề án "Tăng cường đảm bảo an ninh biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025". Tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội khu vực biên giới được giữ ổn định; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông, lâm, thương nghiệp phát triển tích cực, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Các lực lượng chức năng đã chủ động, phối hợp nắm chắc và dự báo sớm tình hình nổi lên ở các địa bàn, tăng cường lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội, tập trung lực lượng đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức, tội phạm nguy hiểm. Tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch tăng cường lực lượng liên ngành tại các bản trọng điểm phía Tây trên địa bàn các huyện Mường Lát và Quan Hóa; duy trì thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú khu vực biên giới với nước bạn Lào và các kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy. Trong năm, các lực lượng Biên phòng, Công an đã đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm trên tuyến biên giới, bắt và khởi tố 95 vụ, 107 đối tượng; tang vật thu giữ gồm 6 bánh heroin, 93.638 viên hồng phiến, 6.505 viên ma túy tổng hợp, 26,962 kg ma túy đá, 3 kg ketamine, trên 16 kg nhựa và 6,7 kg quả thuốc phiện, 6 khẩu súng và nhiều tang vật khác. Ngăn chặn kịp thời hoạt động móc nối, lôi kéo người Mông vượt biên sang Lào theo phỉ, tình hình vùng dân tộc Mông tương đối ổn định, hạn chế tình hình di cư tự do và truyền đạo trái pháp luật. Vận động thu hồi 115 khẩu súng các loại và 66 quả pháp hoa nổ; vận động 06 hộ với 25 nhân khẩu có ý định di cư ở lại yên tâm sản xuất.
Lực lượng vũ trang trên tuyến biên giới đẩy mạnh củng cố, xây dựng đơn vị chính quy, nền nếp. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh triển khai xây dựng và tổ chức trực tại 09 Trạm kiểm soát liên ngành, duy trì thường xuyên 266 đồng chí thường trực tại 32 Tổ chốt trên toàn tuyến biên giới để kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng, thực hiện tốt phương án bảo vệ đồn, trạm, cơ quan, doanh trại. Công an tỉnh triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền trái pháp luật, chỉ đạo phối hợp tăng cường công tác trao đổi thông tin, đấu tranh với các loại tội phạm; thực hiện tốt Đề án hỗ trợ xây dựng 600 ngôi nhà cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiện toàn 01 ban chỉ huy quân sự xã, 16 trung đội dân quân cơ động, 53 tổ dân quân tại chỗ; xây dựng 05 tiểu đội dân quân thường trực tại 05 xã, thị trấn; tăng cường hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên khu vực biên giới. Các lực lượng chức năng đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào tổ chức 33 lần, 660 lượt cán bộ, chiến sỹ thực hiện tuần tra song phương bảo vệ đường biên, cột mốc, kiểm soát tình hình địa bàn đạt kết quả cao.
Các cấp, các ngành và các huyện biên giới đã triển khai nhiều chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng 06 chợ kinh doanh thực phẩm và 09 cửa hàng thực phẩm an toàn, đầu tư hạ tầng cấp điện cho 02 bản của huyện Quan Sơn và Mường Lát. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, trong đó đầu tư xây dựng 07 công trình với số vốn 8,26 tỷ đồng. Các chương trình 135, 30a, 147 của Chính phủ và các đề án về ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa, dân tộc Mông huyện Quan Sơn tiếp tục được thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Đã đào tạo trên 5.100 người, hỗ trợ cho 352 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu "gia đình văn hóa", "khu dân cư văn hóa; đến nay đã công nhận 74% gia đình văn hóa và 72% khu dân cư văn hóa...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đề án còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Đề án còn chậm; công tác phòng ngừa và trấn áp một số loại tội phạm triển khai chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến từng hộ gia đình, từng người dân ở một số địa phương chưa thường xuyên, nhất là vùng đồng bào Mông, vùng sâu, vùng xa; việc quản lý hoạt động tôn giáo trên địa bàn một số xã biên giới còn chưa chặt chẽ; việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể ở một số bản biên giới hiệu quả chưa rõ rệt, nhất là các bản người Mông ở xã Mường Lý, Trung Lý, Pù Nhi (huyện Mường Lát); quá trình triển khai các dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các xã biên giới chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng xuống cấp nhanh, chưa đáp ứng yêu cầu…