(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, góp phần ổn định tình hình kinh kế - xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, hoạt động kinh doanh đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của Nhân dân.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn; cập nhật thường xuyên những vụ việc điển hình đưa tin trên chuyên mục “Chống buôn lậu, hàng giả bảo vệ người tiêu dùng” trên sóng truyền hình VTV1; đưa tin hàng ngày trên chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo Thanh Hóa về các vụ việc vi phạm của tổ chức, cá nhân do các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý; duy trì Chuyên mục "Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng” phát vào tối thứ 6 hàng tuần và trong chương trình Thời sự hàng ngày của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể, các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức hiệu quả.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Cục Hải quan tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác chống buôn lậu, hàng cấm, chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm tại các tuyến biên giới đất liền, đường biển, đường sắt, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các trung tâm thương mại và các mặt hàng cấm, hàng lậu gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội cũng như tính mạng, sức khỏe của người dân, như ma túy, thuốc nổ, pháo nổ, rượu ngoại, xì gà, thuốc lá, đồ chơi kích động bạo lực, bánh mứt kẹo, mỹ phẩm, quần áo…; đã xử lý 1.490 vụ, trong đó: Chuyển khởi tố 841 vụ, xử lý vi phạm hành chính 649 vụ, phạt tiền vi phạm hành chính 4.872 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: 7,421 kg heroin, 40 gram và 175.598 viên ma túy tổng hợp, 14.315 gram thuốc phiện, 190 kg pháo nổ các loại, 36 kg thuốc nổ, 82 khẩu súng tự chế, 10 bộ xung kích điện, 39,6 kg động vật rừng, 135,6 m3 gỗ các loại, 52.329 kg lâm sản, 11.610 kg lâm sản ngoài gỗ, 31.588 bao thuốc lá, 327 chai rượu ngoại, 2.750 món đồ chơi bạo lực, 6.618 món đồ chơi trẻ em các loại, 56 xe mô tô 2 bánh, xe máy và 59.137 linh kiện điện thoại...
Công tác chống gian lận thương mại được chú trọng, các lực lượng chức năng tập trung thực hiện công tác quản lý địa bàn, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa bàn trọng điểm, các siêu thị, trung tâm thương mại, các đầu mối cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; đã xử lý 3.113 vụ, phạt vi phạm hành chính 44.597,6 triệu đồng, nội dung vi phạm chủ yếu là gian lận về hóa đơn, chứng từ để trốn thuế; gian lận trong đo lường, hàng hóa có chất lượng không đúng với công bố; không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; vi phạm về nhãn hàng hóa, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm các điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật…
Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán vận chuyển hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đã xử lý 167 vụ, phạt vi phạm hành chính 1.007,8 triệu đồng; hàng hóa vi phạm, gồm: 1.735 đôi giày, dép các loại, 2.273 cái và 733 bộ quần áo, 103 mũ bảo hiểm, 361.500 kg phân bón các loại...
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thường xuyên; ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp còn thấp; lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, chế độ đãi ngộ còn thấp; cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị hỗ trợ, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát còn thiếu; công tác điều tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng cấm, hàng giả qua mạng xã hội gặp nhiều khó khăn…