(Thanhhoa.dcs.vn): Về giám sát và phản biện xã hội: MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt với 25 nội dung giám sát, trong đó: MTTQ tỉnh thực hiện giám sát 06 nội dung, Liên đoàn Lao động tỉnh 04 nội dung, Hội Nông dân tỉnh 02 nội dung, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh 04 nội dung, Tỉnh đoàn 05 nội dung, Hội Cựu chiến binh tỉnh 04 nội dung.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập 04 đoàn giám sát, thực hiện 13 cuộc tại 02 đơn vị sở, ngành, 11 đơn vị cấp huyện, 12 đơn vị cấp xã và 11 thôn, bản; MTTQ cấp huyện giám sát 241 cuộc với 25 nội dung tại 1.242 thôn, bản, khu phố; MTTQ cấp xã giám sát 1.234 cuộc. Liên đoàn Lao động các cấp chủ trì và tham gia giám sát 259 cuộc. Hội Nông dân các cấp phối hợp thực hiện 609 cuộc giám sát. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp giám sát 598 cuộc. Đoàn Thanh niên các cấp giám sát 410 cuộc. Hội Cựu chiến binh các cấp chủ trì, phối hợp giám sát 372 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện chính sách, pháp luật lao động, chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp tổ chức phản biện 2.100 dự thảo văn bản của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh; đóng góp gần 7.700 ý kiến và gửi 687 văn bản góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản luật và văn bản của các cấp, các ngành.
- Về tham gia xây dựng Đảng, chính quyền: MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức 8.432 hội nghị tiếp xúc của đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội 38 cuộc, đại biểu HĐND tỉnh 58 cuộc, đại biểu HĐND cấp huyện 518 cuộc, đại biểu HĐND cấp xã 7.818 cuộc) với hơn 1,1 triệu cử tri trong tỉnh tham gia; tham gia góp ý 809 văn bản, chương trình, đề án của cấp ủy, chính quyền cùng cấp.
Tuy nhiên, trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội vẫn còn tồn tại, hạn chế, đó là: MTTQ và đoàn thể ở cơ sở còn lúng túng trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện; kỹ năng giám sát còn hạn chế; nội dung, đối tượng giám sát một số việc chưa phù hợp; phương pháp thực hiện còn đơn điệu, hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng chương trình giám sát hàng năm do chưa phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể nên còn chồng chéo về phạm vi, nội dung và đối tượng giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế.