(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và giành được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt công tác chăm sóc Người có công được quan tâm chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Tính đến tháng 02/2022 thành phố Thanh Hóa có 7.865 Người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, gồm 04 người hoạt động cách mạng trước 01 tháng 01 năm 1945; có 04 người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; có 1.404 thân nhân liệt sĩ; 05 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 3.504 người; bệnh binh 1.058 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ là 1.655 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày 76 người; người phục vụ thương bệnh binh, chất độc học hóa 81% trở lên; Bà mẹ Việt Nam anh hùng là 149 người.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được cấp ủy, chính quyền các cấp Thành phố quan tâm thực hiện, từ năm 2013 đến nay Thành phố và các phường, xã đã tổ chức 293 cuộc hội nghị phổ biến, tuyên truyền với 18.203 lượt người tham gia; tổ chức được 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 772 lượt cán bộ công chức thực hiện chính sách đối với Người có công; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố; lãnh đạo UBND các phường, xã; MTTQ các đoàn thể, công chức phường, xã, cán bộ bán chuyên trách; bí thư, trưởng phố, thôn trên địa bàn thành phố.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với Người có công năm 2021 được thực hiện theo đúng quy định; hàng tháng, đã chi, trả trợ cấp thường xuyên cho 94.990 lượt người với số tiền là trên 178 tỷ đồng; chi trợ cấp một lần cho 4.022 lượt người, với số tiền là gần 8 đồng; chi chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 2.950 người, với số tiền 3,2 tỷ đồng; chi ưu đãi trong giáo dục, đào tạo cho 220 người, với số tiền 1,17 tỷ đồng; chi công tác quản lý trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội từ thành phố đến phường, xã đã kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ cho các gia đình Người có công còn khó khăn trong đời sống, ốm đau bệnh tật, khó khăn về nhà ở..., thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" "Đền ơn đáp nghĩa", đoàn kết của cộng đồng dân cư cũng như tinh thần tương thân tương ái của xã hội. Đến nay các gia đình Người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai rà soát, xét duyệt hồ sơ Người có công trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế như một số phường, xã cán bộ phụ trách công tác rà soát, xét duyệt hồ sơ người có công còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên thời gian thực hiện công việc có khi còn dài hơn so với thời gian quy định, công tác lưu trữ hồ sơ chưa đầy đủ; một số đối tượng là Người có công nhưng do thất lạc hoặc mất các giấy tờ, chứng cứ nên khó khăn cho công tác xác nhận và xét duyệt….