(Thanhhoa.dcs.vn): Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh quan tâm; việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả; công tác bảo vệ, chăm sóc và xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống sức khỏe, văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được chú trọng.
Với đặc thù là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, đời sống của Nhân dân nói chung còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế; các địa điểm, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Mặt khác, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán, trình độ dân trí, tỷ suất sinh ở vùng đồng bào DTTS, miền núi còn khá cao so với các vùng khác trên địa bàn tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, miền núi còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng trẻ em ở những khu vực này còn nhiều hạn chế…
Thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019-2025 (theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ), UBND tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/8/2019 về việc triển khai thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ trẻ em vùng DTTS và miền núi cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, đảm bảo điều kiện tốt để tham gia hoạt động giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí..., giúp các em có nhiều cơ hội phát triển toàn diện; kết quả cụ thể như sau:
- Công tác truyền thông, vận động nguồn lực thực hiện Đề án: Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác vận động nguồn lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ trẻ em; xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hằng năm. Phối hợp huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em các xã ĐBKK vùng DTTS, miền núi và thường xuyên cung cấp thông tin, địa chỉ cụ thể của các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các cơ sở giáo dục thuộc các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi có nhu cầu cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch, vui chơi, giải trí, mua sắm trang thiết bị dạy học…
- Công tác phối hợp: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em, trong đó đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân, triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là trong dịp nghỉ hè và thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Phối hợp huy động, bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và sự phát triển của trẻ em; cải thiện tình trạng dinh dưỡng, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em các xã ĐBKK vùng DTTS và vùng miền núi trên địa bàn tỉnh.
- Công tác kiểm tra, đánh giá: Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 04 cuộc kiểm tra, giám sát liên ngành tại các huyện: Triệu Sơn, Lang Chánh, Yên Định và Như Xuân về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác trẻ em... Về cơ bản các địa phương đều thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, không có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, các sở, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra hoặc thực hiện lồng ghép các nội dung kiểm tra về phòng, chống xâm hại trẻ em.
- Về huy động nguồn lực hỗ trợ: Từ năm 2019 đến nay, tổng số tiền đã huy động là 28.694,42 triệu đồng, gồm: 15.177 gói hỗ trợ đồ ấm, trị giá 9.530,159 triệu đồng; 190.269 gói hỗ trợ khám, chữa bệnh, trị giá 1.334,15 triệu đồng; 4.661 gói hỗ trợ dinh dưỡng, trị giá 4.876,56 triệu đồng; 4.229 gói hỗ trợ vui chơi, giải trí, trị giá 11.956,95 triệu đồng; hỗ trợ học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, mua sắm trang thiết bị trường học, trị giá 996,59 triệu đồng. Từ các nguồn vận động, đã có 127.521 lượt trẻ em thuộc các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thông qua các hình thức khác nhau, như: Hỗ trợ dinh dưỡng; hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ đồ ấm; hỗ trợ học bổng và chi phí học tập, giúp trẻ em có cơ hội được tiếp tục học tập, phát triển toàn diện và vươn lên trong cuộc sống.