(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ đình công, ngừng việc tập thể đòi tăng lương và các chế độ phúc lợi khác, đã tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự và tâm lý của người lao động tại một sô doanh nghiệp có đông công nhân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...

Trên địa bàn tỉnh qua công tác nắm tình hình, tại một số doanh nghiệp đã bắt đầu phát sinh những dấu hiệu phức tạp do công nhân bức xúc, so sánh chế độ tiền lương, phúc lợi; ngoài ra, trên các tài khoản mạng xã hội cũng xuất hiện các bài viết, chia sẽ, bình luận về các vấn đề công nhân đình công, đòi tăng lương và các chế độ phúc lợi khác; tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đình công, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp trên địa bàn.  Để chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quan hệ lao động, phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định việc làm, đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đời sống, việc làm của người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp Công an tỉnh và các ngành liên quan thành lập các Đoàn công tác kiểm tra tình hình, chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể với 14 doanh nghiệp có đông công nhân lao động, có quan hệ lao động tiềm ẩn nguy cơ phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Qua công tác cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn HUALI (là tập đoàn có nhiều nhà xưởng và công nhân lao động nhất trong lĩnh vực dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh) đã thông báo nâng lương cơ bản năm 2022 bình quân tăng 6% so với năm 2021, đa số người lao động phấn khởi, tình hình công nhân lao động cơ bản ổn định. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, vẫn còn một bộ phận người lao động so sánh với các doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận với mong muốn ngoài việc tăng lương cơ bản, doanh nghiệp cần tăng thêm các khoản phúc lợi khác như xăng xe, nhà ở, tiền ăn ca. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh rất khó có khả năng thực hiện việc tăng lương cơ bản và các khoản phúc lợi như doanh nghiệp lớn; điều này tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, tranh chấp trong quan hệ lao động, ngừng việc tập thể.

Để chủ động phòng ngừa, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn phối hợp chính quyền địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành chia sẽ khó khăn; thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng, chế độ đối với người lao động; tổ chức các hoạt động đối thoại, thương lượng và triển khai đồng thời các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể khi cần thiết.

(Phạm Minh Đức - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)