(Thanhhoa.dcs.vn): Vừa qua, Tổ thẩm định xác định Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đã thực hiện đánh giá, xác định, xếp loại Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) đối với các sở, ngành cấp tỉnh và UBND 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chỉ số CCHC năm 2021 của các sở, ban, ngành, các địa phương đã phản ánh rõ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCHC của từng địa phương, đơn vị; các cấp, các ngành đã triển khai có hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chủ trương CCHC của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ số phản ánh tương đối khách quan kết quả thực hiện CCHC trong thực tiễn, là nguồn thông tin quan trọng giúp các sở, ngành, UBND cấp huyện nhận biết được những mặt mạnh, mặt yếu để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện Chỉ số CCHC năm 2022 và các năm tiếp theo.

- Chỉ số CCHC của các sở, ngành cấp tỉnh được đánh giá trên 7 nội dung với 40 tiêu chí và 64 tiêu chí thành phần, gồm các nội dung: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; (2) Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành; (3) Cải cách thủ tục hành chính; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (5) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; (6) Cải cách tài chính công; (7) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử. Chỉ số CCHC năm 2021 trung bình của 20 sở, ban, ngành được đánh giá, xác định là 88,96% số điểm tối đa (thang điểm 100 điểm), tăng so với năm 2020 (Chỉ số năm 2020 là 85%); trong đó có 17 sở, ban, ngành thuộc đối tượng đánh giá, xếp hạng; 03 đơn vị (Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và Thanh tra tỉnh) chỉ thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng. Điểm số của các đơn vị tương đối đồng đều, không có sự chênh lệch nhiều giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị xếp cuối; 100% sở, ban, ngành được xếp loại tốt và xuất sắc, trong đó:

(1) Xếp loại xuất sắc (điểm số từ 90% trở lên) có 09 đơn vị gồm: Sở Tài Chính xếp vị trí đầu (đạt 94,88%); tiếp đến là Sở Giao thông - Vận tải (93,05%), Sở Nội vụ (93,39%), Sở Thông tin và Truyền thông (91,99%), Sở Khoa học và Công nghệ (91,65%), Sở Nông nghiệp và PTNT (91,52%), Sở Công Thương (90,78%), Sở Ngoại vụ (90,5%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (90,17%).

(2) Xếp loại tốt (điểm số từ 80% - 90%) có 08 đơn vị gồm: Sở Tư pháp (88,8%), Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (87,97%), Sở Lao động - Thương binh và xã hội (87,62%), Sở Y tế (87,1%), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (86,28%), Sở Tài nguyên và Môi trường (85,97%), Sở Xây dựng (84,4%) và xếp cuối là Sở Giáo dục và Đào tạo (84,2%).

- Chỉ số CCHC của cấp huyện được đánh giá trên 7 nội dung với 40 tiêu chí và 84 tiêu chí thành phần; các nội dung đánh giá tương tự như đối với các sở, ngành cấp tỉnh, chỉ khác ở nội dung thứ 2 về xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật tại cấp huyện. Chỉ số CCHC năm 2021 trung bình của 27 huyện, thị xã, thành phố đạt được là 85,78%, tăng so với năm 2020 (đạt 84,98%); chia thành 3 nhóm kết quả xếp loại gồm:

(1) Các địa phương đạt kết quả xuất sắc (điểm số từ 90% trở lên) bao gồm 07 đơn vị: huyện Đông Sơn đứng đầu (đạt 91,95%), tiếp đến là thành phố Thanh Hóa (91,65%); các huyện: Hà Trung (91,16%), Hoằng Hóa (90,78%), Quảng Xương (90,27%), Ngọc Lặc (90,04%) và Thọ Xuân (90,01%).

(2) Các địa phương đạt kết quả tốt (điểm số từ 80% - 90%) gồm 16 đơn vị.

(3) Các địa phương đạt kết quả khá (điểm số từ 70% - 80%) bao gồm 04 đơn vị: Huyện Thiệu Hóa (79,06%), thị xã Nghi Sơn (78,29%), huyện Mường Lát (77,53%) và huyện Lang Chánh (76,95%).

Kết quả trên cho thấy một số địa phương có chỉ số thành phần đạt điểm số cao và tiếp tục duy trì xếp loại xuất sắc (như: thành phố Thanh Hóa và các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung, Thọ Xuân); một số đơn vị tăng vị trí từ xếp loại tốt năm 2020 lên loại xuất sắc (huyện Quảng Xương, huyện Ngọc Lặc). Bên cạnh đó, vẫn còn đơn vị không cải thiện được chỉ số CCHC, nhiều năm nằm ở top cuối bảng xếp hạng (huyện Mường Lát); một số đơn vị chưa sát sao trong chỉ đạo điều hành về CCHC, dẫn đến tụt hạng từ loại tốt xuống các vị trí cuối bảng xếp hạng (huyện Lang Chánh, huyện Thiệu Hóa và thị xã Nghi Sơn).

Nhìn chung, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2021 của các sở, ngành và của các huyện, thị xã, thành phố đều tăng so với năm 2020, không còn chênh lệch lớn như các năm trước. Kết quả tích cực nêu trên thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành triển khai công tác cải cách hành chính của các cấp ủy, chính quyền trong năm 2021. Các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; từng bước nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, phương thức quản trị điều hành, gắn chặt chẽ với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động; chú trọng lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số ngành, địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác triển khai các nhiệm vụ CCHC, chưa xem Chỉ số CCHC là công cụ quan trọng, làm cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, cải thiện những hạn chế, yếu kém được chỉ ra hàng năm; sự phối hợp giữa cơ quan tham mưu cải cách hành chính của tỉnh và một số sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng công tác tổng hợp, thu thập số liệu trong quá trình chấm điểm, đánh giá; một số đơn vị tự đánh giá chấm điểm thiếu chính xác, có sự chênh lệch lớn giữa điểm tự chấm và điểm đánh giá; nhiều đơn vị chưa chấp hành đúng chế độ báo cáo theo quy định, báo cáo tự đánh giá, chấm điểm sơ sài, không theo hướng dẫn và thiếu các tài liệu kiểm chứng, do đó phải yêu cầu bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ và thời gian thực hiện nhiệm vụ.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)