(Thanhhoa.dcs.vn): Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về triển khai, thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” năm 2022, mục đích là nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Đề án đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, bản, khu phố và quần chúng Nhân dân; nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên từng địa bàn; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả theo nội dung, yêu cầu Đề án đề ra trong năm 2022.
Về nội dung, biện pháp tiến hành, kế hoạch xác định sẽ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lần đầu là 06 ngày; thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên sâu là 04 ngày. Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp tổ chức họp đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Đề án năm 2022, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và thời gian thực hiện Đề án năm 2023 và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn các biện pháp chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có cháy, nổ xảy ra. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; gắn phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án năm 2022 theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung của Đề án tại đơn vị mình bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và thời gian theo quy định; thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án năm 2022; tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, phường, thị trấn trong phạm vi quản lý thực hiện Đề án nghiêm túc, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án tại địa phương... Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương; tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung và kế hoạch thực hiện Đề án năm 2022; bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dân phòng theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Đề án; tiếp tục củng cố, kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động của Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; gắn phong trào “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện Đề án và hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại đơn vị.