(Thanhhoa.dcs.vn): Trong tháng 4/2022, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục nắm bắt diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của từng địa phương trong tỉnh để thực hiện các biện pháp hỗ trợ kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo sức răn đe, giáo dục. Tăng cường công tác quản lý địa bàn đối với mặt hàng xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá, không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết các mặt hàng vật tư y tế và thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tháng, lực lượng Quản lý thị trường toàn tỉnh đã kiểm tra 155 trường hợp, xử lý 122 vụ vi phạm, trong đó: Xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu 21 vụ; xử lý về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 13 vụ; xử lý về lĩnh vực giá 28 vụ; xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 42 vụ; xử lý các vi phạm khác 12 vụ. Tổng số tiền thu phạt là 809,52 triệu đồng, trong đó giá trị tiền phạt vi phạm hành chính 518,05 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu 291,77 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 74,38 triệu đồng; trị giá hàng chờ bán hoặc tiêu hủy 203,34 triệu đồng. Kết quả kiểm tra, kiểm soát một số lĩnh vực, ngành hàng quan trọng như: mặt hàng xăng dầu kiểm tra 02 trường hợp, xử lý 01 vụ, phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng; mặt hàng gas (LPG) kiểm tra 07 trường hợp, xử lý 02 vụ, phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng; mặt hàng phân bón kiểm tra 08 trường hợp, xử lý 02 vụ, phạt vi phạm hành chính 03 triệu đồng; mặt hàng rượu và thuốc lá kiểm tra 02 trường hợp, không phát hiện vi phạm.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa, góp phần giữ ổn định thị trường; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, chống buôn lậu, hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm…

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)