(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đạt kết quả quan trọng. Đến hết năm 2021, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý là 2.214 đơn vị, giảm 243 đơn vị (giảm 10%) so với năm 2015. Về mức độ tự chủ tài chính, có 01 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải); 47 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên; 558 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên; 1.608 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên phần lớn là các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và sự nghiệp thiết yếu khác. Kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
- Lĩnh vực giáo dục: Giảm 105 trường phổ thông công lập, cụ thể: Giải thể, sáp nhập các trường THPT, giảm 11 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học, giảm 94 trường thuộc các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 02 trường THCS sáp nhập với 02 trường THPT, 20 trường tiểu học sáp nhập với 20 trường THCS để thành lập 22 trường liên cấp.
- Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Giảm 23 đơn vị, cụ thể: Giải thể Trường Cao đẳng Thể dục, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trực thuộc UBND tỉnh; sáp nhập Trường Trung cấp Phát thanh truyền hình, Trường Trung cấp Nghề xây dựng và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa để thành lập Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và PTNT với Trường Cao đẳng Nông lâm thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa; sắp xếp, tổ chức lại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề cấp huyện để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
- Lĩnh vực y tế: Giảm 31 đơn vị, cụ thể: Sắp xếp, hợp nhất 05 đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh; sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện vào Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, giảm 27 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
- Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Giảm 06 đơn vị, cụ thể: Tổ chức, sắp xếp lại 07 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
- Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Giảm 39 đơn vị, cụ thể: Hợp nhất, tổ chức lại 03 Đoàn nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để thành lập Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thanh - truyền hình thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, giảm 37 đơn vị sự nghiệp cấp huyện.
- Lĩnh vực thông tin và truyền thông: Giảm 01 đơn vị, cụ thể: Chuyển giao Báo Văn hoá và Đời sống thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về Báo Thanh Hoá.
- Lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: Giảm 38 đơn vị, cụ thể: UBND tỉnh đã quyết định sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của Sở Nông nghiệp và PTNT, theo đó sáp nhập, giảm 04 Ban quản lý rừng phòng hộ; sáp nhập, hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, theo đó giảm 23 đơn vị cấp huyện; quyết định thành lập 05 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở tổ chức lại 15 đơn vị sự nghiệp; sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 1 và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 để thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời hướng dẫn cụ thể việc hợp nhất, sáp nhập nên việc quy định về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của một số đơn vị thành lập mới còn khó khăn. Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ còn nhiều khó khăn, lúng túng; các đơn vị sự nghiệp giáo dục thực hiện lộ trình tự chủ kinh phí chi thường xuyên gặp khó khăn do chưa ban hành được định mức kinh tế - kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo, khung mức thu học phí cho các trường công lập. Biên chế viên chức sự nghiệp được Bộ Nội vụ giao còn thấp so với yêu cầu thực tế; việc cắt giảm biên chế hàng năm gây khó khăn cho tỉnh trong việc phân bổ, sử dụng viên chức. Công tác quản lý, sử dụng biên chế của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, chưa hiệu quả; chưa chủ động, tích cực trong việc tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức.