(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 04/5/2021, Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 04/6/2021,…); theo đó, nội dung, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được được pháp luật quy định, phân công, phân cấp cụ thể. Tuy nhiên, trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, an toàn công trình, vi phạm các quy hoạch đã được phê duyệt, không đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 7704/UBND-CN yêu cầu tăng cường công tác quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tiếp tục tăng cường công tác quản lý về trật tự xây dựng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 04/6/2021; phân công, phân cấp quản lý về trật tự xây dựng theo đúng quy định, đảm bảo thường xuyên, liên tục, phủ kín địa bàn, đối tượng quản lý. Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Đối với từng dự án, công trình trên địa bàn quản lý phải phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng, ban, UBND cấp xã, các tổ chức, cá nhân phụ trách quản lý và yêu cầu ban hành kế hoạch kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra định kỳ (hoặc đột xuất) với Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định. Kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ thông báo khởi công xây dựng đối với công trình trên địa bàn quản lý; tổ chức kiểm tra thực địa, lập Biên bản bàn giao, xác nhận về mốc giới của khu đất, công trình xây dựng với chủ đầu tư (định vị khu đất, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, định vị các hạng mục công trình xây dựng,…); gửi và lưu trữ Biên bản tại các phòng chuyên môn được giao quản lý của UBND cấp huyện và ở UBND cấp xã nơi có công trình để phục vụ công tác kiểm tra, theo dõi, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thi công xây dựng công trình, trong đó tập trung kiểm tra hiện trạng, mặt bằng thi công ngay từ khâu triển khai định vị, phạm vi nền móng của công trình để kịp thời phát hiện, tránh các sai lệch giữa thiết kế với thực địa. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không được để cho công trình tiếp tục thi công xây dựng khi đã phát hiện có sai phạm. Kiểm tra, yêu cầu Chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, phòng chống sạt lở, chống cháy nổ, tai nạn lao động, phòng chống đuối nước.
Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, các chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện các nội dung quy định của pháp luật có liên quan về trật tự xây dựng, sử dụng đất; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ chức thanh tra, kiểm tra (theo chuyên đề hoặc ghép nội dung) về quản lý trật tự xây dựng, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém; chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các nội dung trên; tổng hợp, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/12 hằng năm./.