(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh” năm 2022 (gọi tắt là Đề án 272).

Mục đích nhằm phân công nhiệm vụ, giải pháp và chỉ tiêu cần đạt được của các đơn vị trong thực hiện Đề án 272 trong năm 2022; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện; hạn chế đến mức thấp nhất sự gia tăng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn; ngăn chặn hiệu quả sự gia tăng của tội phạm ma túy trong nội địa, hạn chế tối đa nguồn ma túy thẩm lậu vào địa bàn tỉnh qua các tuyến biên giới trên đất liền, trên biển và từ các tỉnh giáp ranh.

Kế hoạch đề ra 08 chỉ tiêu cụ thể, gồm: (1) 100% các vụ phát hiện, bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy phải mở rộng truy nguồn ma túy, bắt giữ đối tượng mua bán trái phép chất ma túy; triệt xóa trên 10 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia; (2) Không để phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy, kiềm chế đến mức thấp nhất việc phát sinh điểm phức tạp về ma túy; triệt xóa trên 50% tổng số điểm, tụ điểm đang hoạt động trên địa bàn; đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trong thời gian sớm nhất, không để tụ điểm phức tạp về ma túy tồn tại quá 06 tháng, điểm phức tạp về ma túy tồn tại quá 03 tháng kể từ khi được xác định; (3) Không để xảy ra tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn; (4) 100% người sử dụng trái phép chất ma túy được UBND cấp xã lập hồ sơ quản lý; 100% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tổ chức điều trị, cai nghiện (cai nghiện bắt buộc hoặc cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế); 100% số người thuộc diện phải được xác định tình trạng nghiện; (5) Hạn chế phát sinh người nghiện mới, mỗi năm giảm 05% người nghiện có hồ sơ quản lý đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi diện; (6) Mỗi huyện, thị xã, thành phố phải chuyển hóa được ít nhất 01 địa bàn thành địa bàn không có ma túy; không có địa bàn gia tăng mức độ phức tạp. Mỗi huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng được 01 mô hình điểm về PCMT tại xã, phường, thị trấn; (7) Kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; không để lợi dụng vào sản xuất trái phép chất ma túy; (8) 100% các đơn vị tổ chức được hoạt động tuyên truyền PCMT thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch gồm: (1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phòng, chống và kiểm soát ma tuý; (2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCMT; (3) Nâng cao năng lực quản lý, phát huy tối đa hiệu quả công tác của các lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; (4) Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý và tạo việc làm sau cai nghiện, chấp hành xong hình phạt tù về ma túy; (5) Nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức; tăng cường đầu tư, bảo đảm các điều kiện cho lực lượng PCMT; (6) Ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý người nghiện, nghi nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công, tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)