(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Kế hoạch hành động số 27-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng.
Ngành Nông nghiệp và PTNT đã đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, như: Công nghệ viễn thám và GIS (Hệ thống thông tin địa lý) vào quản lý vùng mía nguyên liệu; công nghệ máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; nhân giống cây lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô, hom; nhận dạng nhanh một số loài động vật, thực vật rừng nguy cấp và quý hiếm bằng trí tuệ nhân tạo (AI); tiếp nhận, chuyển giao công nghệ viễn thám trong theo dõi, quản lý rừng... Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục phát triển; tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP đạt trên 75%; tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gà ứng dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động và cơ giới hóa đạt trên 55%, trang trại bò sữa đạt 100%. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất ứng dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc; 100% sản phẩm Ocop của tỉnh truy xuất được nguồn gốc.
Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp; triển khai số hóa hệ thống thông tin doanh nghiệp, quản lý và phát triển sản phẩm; ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất 03 loại vật liệu xây dựng mới (cát nhân tạo, vôi công nghiệp và bột nhẹ); áp dụng công nghệ tận thu nhiệt thừa để phát điện trong sản xuất xi măng. Toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ.
Trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đã xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; phân hệ phần mềm hỗ trợ quản lý kịch bản và các hoạt động về biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường trong xử lý chất thải rắn; lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu đạt trên 90%; tỷ lệ các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng đạt trên 80%. Tiếp tục triển khai hệ thống quan trắc môi trường thông minh trên địa bàn tỉnh và đang xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi.
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt kết quả khả quan; đã có trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 400 mặt hàng nông sản, thực phẩm nông nghiệp đăng ký hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử. Các cơ sở lưu trú đã thực hiện đăng ký khách lưu trú qua mạng internet, quảng bá sản phẩm du lịch qua các trang mạng xã hội; một số tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng website đã hỗ trợ các hoạt động du lịch (đặt vé, thanh toán, tư vấn và chăm sóc trực tuyến) tại các khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử, du lịch biển...
Các cơ sở giáo dục - đào tạo đã kết nối internet bằng cáp quang phục vụ hoạt động chuyên môn; sử dụng các giải pháp phòng họp trực tuyến để tổ chức dạy và học; toàn tỉnh đã cung cấp 32.007 tài khoản hệ thống LMS phục vụ tập huấn trực tuyến giáo viên phổ thông đại trà và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; tập huấn bồi dưỡng giáo viên Modul 1, 2, 3 theo Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP). Tỷ lệ học sinh, sinh viên được tiếp cận dịch vụ internet và các kho học liệu trực tuyến đạt 75%; tỷ lệ số trường áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh đạt 7%. Cán bộ, giáo viên đã được tiếp cận bước đầu với công cụ thiết kế bài giảng Elearning và có những sản phẩm chất lượng tốt. Đã đầu tư, chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ nhằm đáp ứng các điều kiện về mô hình phòng học thông minh, trường học thông minh.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành cơ sở y tế. Đã có 13 bệnh viện tuyến tỉnh kết nối khám chữa bệnh từ xa với tuyến trên và hỗ trợ tuyến dưới; 18 phòng tư vấn/khám chữa bệnh từ xa trực tiếp với bệnh nhân; 100% bệnh viện các tuyến triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); 100% bệnh viện công lập sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện; 100% đơn vị y tế công lập triển khai phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, ứng dụng chữ ký số trong việc phát hành văn bản; 65% bệnh viện công lập triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 95% bệnh viện công lập triển khai hóa đơn điện tử. Các bệnh viện công lập tuyến tỉnh đã đưa vào triển khai mới 04 kỹ thuật cao, tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp (từ Trung ương đến cấp xã) và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành. 100% cán bộ, công chức thực hiện xử lý, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản được ký số cơ quan và ký số cá nhân đạt trên 96%; hệ thống một cửa điện tử hiện đại cung cấp dịch vụ hành chính công đã được triển khai tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, 27/27 UBND cấp huyện và 559/559 đơn vị cấp xã..