Sáng 11-7, tại Trung tâm hội nghị của tỉnh (25B, TP Thanh Hóa), HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ nghe, thảo luận và thông qua các báo cáo gồm: Tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII; Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII; Báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2022; Báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018- 2021; Báo cáo của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính và công tác thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017- 2021; Báo cáo của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp, giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh; Báo cáo của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay; Báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng sẽ xem xét quyết định 48 tờ trình của UBND tỉnh về những vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính- ngân sách, chủ trương đầu tư các dự án…; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; tiến hành các thủ tục miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh; bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh ta bước vào năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND phát biểu khai mạc kỳ họp.
Dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ số ca mắc COVID-19 và tử vong do COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Kinh tế tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng khá cao so với cùng kỳ và kế hoạch cả năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%, dịch vụ tăng 7,8%, thuế sản phẩm tăng 36,06%. Thu ngân sách Nhà nước gần đạt dự toán cả năm và tăng cao so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm chúng ta đã khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án quy mô lớn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá so với kế hoạch và cao hơn cùng kỳ, trong nhóm các tỉnh, thành phố giải ngân nhanh nhất cả nước.
Văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới và đạt kết quả tích cực.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao và trân trọng cảm ơn toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần, trách nhiệm, đóng góp công sức, trí tuệ vào thành tích chung của tỉnh, tạo niềm tin, khát vọng, quyết tâm rất lớn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Những kết quả đạt được nêu trên là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình chung đang có nhiều khó khăn; song, so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả trên vẫn chưa đạt được sự mong đợi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Đáng chú ý là: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước, thấp hơn kế hoạch và thấp hơn bình quân chung cả nước; việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn chậm; kết quả giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án sử dụng đất còn thấp so với kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công của một số ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu…

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cần tập trung phân tích, thảo luận, tìm các chủ trương, giải pháp khả thi, để kịp thời khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời cần dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận các cơ chế, chính sách; kế hoạch đầu tư công và phân bổ vốn; về chủ trương đầu tư các dự án và các nội dung quan trọng khác, tạo tiền đề vững chắc để tổ chức thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVIII có khối lượng công việc rất lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng của tỉnh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Để tổ chức kỳ họp lần này, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các ngành có liên quan đã tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị tốt nội dung và các điều kiện phục vụ kỳ họp. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã gửi các tài liệu kỳ họp bằng văn bản điện tử trước để các đại biểu tự nghiên cứu.
Với trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để tiếp tục hoàn thiện và quyết nghị các nội dung vào cuối kỳ họp.
Tiếp đó, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Các đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Báo cáo tóm tắt nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển, nông nghiệp sản xuất ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,07%, có 23/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh ước đón 6,82 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,3 lần cùng kỳ (trong đó có 44,6 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 2,2 lần cùng kỳ)… Thu ngân sách Nhà nước gần đạt dự toán cả năm và tăng cao so với cùng kỳ, ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 63,4% so với cùng kỳ…

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đạt kết quả nổi bật; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, quan trọng, có sức lan tỏa mạnh, được dư luận và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao; dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ số ca tử vong trên tổng số ca nhiễm thấp hơn trung bình cả nước; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ 9 khó khăn, hạn chế và chỉ rõ những nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Tiếp đó, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý vào 43 dự thảo luật, văn bản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh. Đồng thời, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 123 hội nghị phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 50 cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật của đại biểu Quốc hối khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh với 8.898 cử tri tham gia, đã có 369 ý kiến kiến nghị.

Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra và đi vào nề nếp, có chất lượng, tập trung giám sát những vấn đề được Nhân dân quan tâm; đã chủ trì thực hiện 613 cuộc giám sát, các ban thanh tra Nhân dân giám sát 628 vụ việc, kiến nghị giải quyết 165 vụ việc…
Cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Cử tri gửi ý kiến, kiến nghị đến Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII đó là: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khẩn trương xây dựng và số hóa bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh; quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, miền núi, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu cần nhiều lao động để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho Nhân dân; có chính sách hỗ trợ giá, kích cầu cho ngành chăn nuôi để người dân yên tâm sản xuất; hỗ trợ ngư dân khắc phục khó khăn để tiếp tục ra khơi khai thác hải sản; quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh việc đầu tư các hạng mục hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất…
Tại Kỳ họp, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XV.
Theo đó, tiếp thu kiến nghị của cử tri về quan tâm ban hành cơ chế hỗ trợ chi phí đầu vào (vật tư nông nghiệp) và đấu mối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo sản xuất và thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành; đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện. Ngoài ra, tham mưu, đấu mối với các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Cử tri đề nghị nghiên cứu nâng mức hỗ trợ nhà lưới: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 về việc ban hành chính sách pháp triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022- 2025, trong đó không còn nội dung hỗ trợ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền và triển khai đến cử tri để tổ chức thực hiện.

Cử tri đề nghị HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi gia súc. UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp bình ổn các loại vật tư nông nghiệp; giải pháp bình ồn giá thức ăn chăn nuôi gia súc. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng; thực hiện kê khai giá, niêm yết giá đối với mặt hàng theo quy định…
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng được nghe, đồng chí Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh trình bày báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh về tình hình tội phạm và công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tố giác, tin báo về tội phạm 2.027 tin. Cơ quan điều tra đã giải quyết 1.422 tin, 100 tin báo giải quyết đúng thời hạn, tạm đình chỉ 73 tin.

Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 2.133 vụ, 3.830 bị can, trong đó khởi tố mới 1.312 vụ. 2.465 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 1.403 vụ, 2.525 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 1.173 vụ 2.449 bị can đạt tỷ lệ 83,6%...

Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh trình bày báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh về công tác xét xử, thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, tổng số vụ việc sơ thẩm và phúc thẩm TAND hai cấp phải giải quyết là 7.094 vụ việc các loại. Đã giải quyết 4.631 vụ việc các loại, đạt tỷ lệ chung 65,2%. Số vụ việc còn lại mới thụ lý, đang được Tòa án giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.

Tiếp đó, đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng, tiếp tục góp phần bảo vệ quyền và nghĩa vụ của công dân, phát triển kinh tế- xã hội.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính, ngân hàng; giao thông vận tải. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc nội quy kỳ họp, tham gia đầy đủ các phiên họp, tích cực nghiên cứu tài liệu và tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận. Trong đó đã có 15 lượt ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường, 23 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận tổ. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 3 ý kiến chất vấn và 1 ý kiến tranh luận.