(Thanhhoa.dcs.vn): Chiều ngày 26-7-2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên họp thứ Nhất. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và phát biểu khai mạc, kết luận phiên họp. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa xin giới thiệu toàn văn phát biểu kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh:baothanhhoa.vn).
Thưa các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Sau 1 buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Phiên họp thứ Nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Tại phiên họp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, mang đến cho Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo một tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thống nhất cao.
Tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự thống nhất với nội dung với các văn bản do Thường trực Ban Chỉ đạo chuẩn bị. Giao Ban Nội chính Tỉnh uỷ – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng của các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy rà soát, hoàn thiện dự thảo các văn bản và trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
Trước khi kết thúc phiên họp, tôi đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là nội dung phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra vào ngày 30/6/2022 vừa qua.
Các cấp, các ngành, các địa phương phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Coi đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy, lấy kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những cơ sở để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, không lãng phí, không tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; tích cực lên án, phê phán và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, quy trình, tiêu chuẩn, định mức… trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích"; hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý sai phạm về tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động, tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan, sai, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình, đảm bảo hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải và có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ trong xã hội. Chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thứ bảy, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tám, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch.
Thứ chín, giao đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc và khẩn trương báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề vượt thẩm quyền; đồng thời, rà soát, lựa chọn vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh đưa vào diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tại cuộc họp tiếp theo.
Đối với các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, trên cơ sở Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo tỉnh, đề nghị các đồng chí tập trung xây dựng chương trình công tác cụ thể, sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và địa bàn được phân công phụ trách để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao; kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo nếu phát sinh vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở kết luận này, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu ban hành Kết luận phiên họp thứ Nhất của Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh.
Thưa các đồng chí!
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hoạt động của Ban Chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải được tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, xây dựng tập thể đoàn kết, phối hợp công tác với nhau nhịp nhàng. Từng đồng chí trong Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực.
Chúng ta cùng rèn luyện, phấn đấu để mỗi đồng chí phải là những tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm khiết, trung thực, công tâm, khách quan, phải là “điểm tựa”, là niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Từ những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, tin tưởng rằng, với sự quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh ta sẽ có những chuyển biến mới. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và niềm tin yêu, kỳ vọng của Nhân dân.
Với niềm tin tưởng sâu sắc đó, một lần nữa, tôi chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, cùng toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công./.