(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, 11 huyện miền núi triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kết quả tích cực.
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,6%; có 650/1.519 thôn, bản có câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đạt 42,8%; tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 92,6%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,5%; cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, 100% trường THCS, THPT có phòng học kiên cố; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội và di cư tự do của đồng bào dân tộc Mông cơ bản ổn định. Các chương trình, dự án, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh được tập trung triển khai hiệu quả, cụ thể như sau:
- Các chương trình, chính sách dân tộc do Trung ương ban hành: Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (tổng kinh phí năm 2022 gần 3,29 tỷ đồng): Đã cấp 65.027 tờ Báo Dân tộc và Phát triển, 294.159 tờ Báo Thanh Hóa cho người có uy tín; tổ chức 10 hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho 581 người có uy tín; quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho 100% người có uy tín trong các dịp lễ, tết. Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” (tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng): Đã tổ chức 07 hội nghị tuyên truyền thực hiện Đề án cho 1.240 người; tuyên truyền 250 lần trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Hiện đang tập trung cụ thể hóa Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó, tổng vốn phân bổ năm 2022 trên 412,2 tỷ đồng.
- Các chương trình, chính sách đặc thù do tỉnh ban hành: Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 (tổng nguồn vốn năm 2022 là 493 triệu đồng): Đã tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền cho 497 cán bộ, công chức, người dân tại các bản Mông của huyện Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát. Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” (tổng vốn giao năm 2022 là 14 tỷ đồng, để thực hiện đầu tư xây dựng 07 công trình: Đập, mương Nà Co Mị, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát; Đường giao thông bản Piềng Khóe, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn; Đường giao thông Bản Cảy, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; Đường giao thông Bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; Đường giao thông thôn Thành Thắng, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân; Xây mới 04 phòng học của Trường Tiểu học và THCS Cát Vân, xã Cát Vân, huyện Như Xuân; Đường giao thông thôn Giầu Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước): Hiện nay, các huyện đang triển khai thực hiện, tiến độ đạt từ 10-50%, dự kiến sẽ hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn giao trước 31/12/2022.
- Các chính sách dân tộc do các sở, ngành quản lý: Đã thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 35.712 lượt học sinh, kinh phí trên 11 tỷ đồng (Chính sách quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo). Hỗ trợ 10.097 lượt học sinh tiền ăn, tiền nhà ở, với kinh phí trên 37,6 tỷ đồng và 619 tấn gạo (Chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và hỗ trợ gạo cho học sinh). Hỗ trợ khoảng 6.000 lượt bệnh nhân nội trú trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, kinh phí 1,6 tỷ đồng (Chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo). Hỗ trợ 3.996 người, tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng (Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, sinh con đúng chính sách dân số).
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các nhiệm vụ còn gặp một số khó khăn, hạn chế: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là khu vực khó khăn nhất tỉnh, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém; đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế cả về năng lực chỉ đạo và chuyên môn; trình độ dân trí còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao hơn 2 lần so với bình quân chung của tỉnh, hiện có 46.272 hộ nghèo/232.311 hộ, chiếm tỷ lệ 19,9%; còn 36 thôn, bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc 07 huyện miền núi chưa có điện lưới quốc gia. Ngoài ra, một số quy định của Trung ương về chính sách hỗ trợ còn chưa thống nhất, hệ thống văn bản hướng dẫn còn chậm được ban hành; một số hướng dẫn chưa quy định cụ thể, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và của các cấp không tách riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối với người dân tộc thiểu số, gây khó khăn trong quá trình thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, tham mưu thực hiện nhiệm vụ…