(Thanhhoa.dcs.vn): Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa ban hành Hướng dẫn số 145/HD-MTTQ-BTT về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ. Thông qua Ngày hội nhằm tiếp tục củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư; tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân. Ngày hội cũng là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư... qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh.

Các nội dung thực hiện, gồm:

(1) Công tác tuyên truyền:

- Nội dung tuyên truyền: (i) Lịch sử, truyền thống vẻ vang và kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với truyền thống cách mạng của quê hương và cộng đồng; (ii) Thành tựu đạt được sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của địa phương; (iii) Những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư vê lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Chỉ thị, Thông tri và văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp về tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Các hoạt động thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; (iv) Giới thiệu và nhân rộng các điển hình, tiêu biểu, những việc làm hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; gương người tốt, việc tốt và những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước...

- Hình thức tuyên truyền: (i) Vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình; cổng thông tin điện tử, trang Fanpage, mạng xã hội của cộng đồng, địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi cá nhân; (ii) Thông qua cuộc sinh hoạt cộng đồng dân cư; sinh hoạt của các tổ chức Đoàn thể nhân dân; (iii) Treo băng zôn, khẩu hiệu, pano, apphich... tuyên truyền ở các khu dân cư, địa điểm trung tâm văn hóa - xã hội tại các địa phương và cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động dân vũ; hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, vùng, miền....

(2) Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết:

Hoạt động tổ chức Ngày hội được diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 01/11/2023 đến hết ngày 18/11/2023.

Hình thức tổ chức: Ngày hội được tổ chức chủ yếu ở địa bàn khu dân cư. Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương có thể lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp, tuy nhiên phải đảm bảo Ngày hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả.

Chủ trì tổ chức Ngày hội: (i) Tổ chức tại khu dân cư: Do Ban Công tác Mặt trận chủ trì; (ii) Tổ chức theo hình thức liên khu dân cư: Do Ban công tác Mặt trận (nơi đăng cai tổ chức Ngày hội) chủ trì và phối hợp các Ban công tác Mặt trận khác tham gia thực hiện.

Thành phần tham gia Ngày hội: (i) Mời toàn thể Nhân dân hoặc đại diện các hộ gia đình ở khu dân cư, liên khu dân cư; con em làm ăn xa quê; cán bộ, đảng viên cư trú tại địa bàn; (ii) Mời các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, tổ chức đoàn thể tại địa phương; (iii) Đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo... trên địa bàn; (iv) Đối với địa phương khu vực, địa bàn biên giới có thể mời bạn bè các nước láng giềng cùng tham dự Ngày hội; (v) Đối với các khu dân cư có người nước ngoài đang sinh sống, học tập, công tác tại địa bàn dân cư mời tham dự Ngày hội.

Chương trình Ngày hội gồm 02 phần: Phần Lễ và phần Hội; trong đó:

- Phần Lễ gồm các nội dung: Ôn lại truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ; báo cáo khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương; đánh giá khái quát những kết quả đạt được sau 20 năm tổ chức Ngày hội; phương hướng trọng tâm năm tới.

- Phần Hội (có thể tổ chức trước hoặc sau phần Lễ): Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; các hoạt động dân vũ, hoạt động dưỡng sinh ngoài trời.... nhằm thu hút sự tham gia của Nhân dân trên địa bàn; chú trọng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi địa phương, vùng miền trong Ngày hội. Tổ chức các hoạt động triển lãm gian hàng; giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP; quảng bá du lịch địa phương, du lịch cộng đồng... Tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thăm hỏi động viên gia đình chính sách, người có công; cán bộ lãnh thành cách mạng; trợ giúp người khó khăn; thăm hỏi, trao tặng quà, Nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; khởi công, hoàn thành các công trình dân sinh... Tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tổ dân phố, khu dân cư, đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch đẹp; trồng cây, trồng hoa trên các tuyến đường dân sinh, khu dân cư, trong khuôn viên gia đình... Tùy từng điều kiện của khu dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức... có thể tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” cho phù hợp. Khuyến khích các địa phương có sáng kiến, đổi mới tổ chức phần Hội đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của mỗi địa phương.

(3) Mời lãnh đạo tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tham dự Ngày hội:

Cấp tỉnh: Căn cứ vào lịch tham dự Ngày hội của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ có văn bản gửi Thường trực huyện uỷ, thành uỷ, thị uỷ, lãnh đạo ủy ban nhân dân và ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị, thành phố và các cơ quan có liên quan để phối hợp triển khai thực hiện.

Cấp huyện, thị xã, thành phố: Sau khi có thông báo về lịch dự Ngày hội của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp chủ trì báo cáo cấp ủy, phối hợp chính quyền và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)