(Thanhhoa.dcs.vn): Văn phòng UBND tỉnh vừa phát hành Thông báo số 178/TB-UBND ngày 12/10/2023 về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm tại Hội nghị công tác quản lý, bảo vệ hành lang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo Thông báo, Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, nhất là của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh từng bước đã được đầu tư, phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phục vụ nhu cầu, thuận lợi cho người dân; UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Giao thông vận tải trong thời gian qua, đã phối hợp cùng với các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, giải toả vi phạm, chống lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn tỉnh, đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng khai thác của công trình đường bộ, đảm bảo trật tự ATGT.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm về hành lang an toàn đường bộ vẫn thường xuyên diễn ra, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; nguy cơ gây mất ATGT; phát sinh các điểm tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông; làm giảm khả năng khai thác các tuyến đường.

Để nâng cao công tác quản lý lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, giải quyết các tồn tại do lịch sử để lại, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn giao thông; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện công tác đảm bảo hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh ban hành trước ngày 25/10/2023; trong đó đề nghị UBND cấp huyện, xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo giải toả, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn; đồng thời, xây dựng Kế hoạch giải toả hành lang ATGT hàng năm trên các tuyến đường cụ thể để thực hiện; Kế hoạch phải cụ thể nội dung, trình tự các bước cần triển khai thực hiện, thời gian thực hiện, kinh phí, phương tiện và tổ chức thực hiện hiệu quả, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng, nhân dân và đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương.

Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có văn bản gửi các địa phương để nắm bắt theo dõi có hệ thống đảm bảo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng biểu mẫu báo cáo gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi kèm theo Kế hoạch. Định kỳ hàng quý (trước ngày 25 của tháng cuối quý), Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT với Chủ tịch UBND tỉnh thông qua Sở Giao thông vận tải. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định tại Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28/01/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông vận tải rà soát, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để hoàn thành việc cắm mốc lộ giới trên các tuyến quốc lộ do Sở Giao thông vận tải được ủy thác quản lý trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh xem xét trong năm 2024 điều chuyển công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn hai huyện trở lên (hiện nay đang giao cho UBND các huyện quản lý, bảo trì) về Sở Giao thông vận tải quản lý, bảo trì để thuận lợi cho công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ cũng như công tác bảo trì tuyến đường. Có văn bản báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh (đồng thời gửi Sở Tài chính) bố trí kinh phí cắm mốc lộ giới đối với các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch còn lại chưa được cắm mốc để đảm bảo hoàn thành việc cắm mốc lộ giới trong năm 2024.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng liên quan, Công an các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, kịp thời bố trí lực lượng phối hợp với UBND cấp huyện, Thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý đường bộ tham gia các đợt ra quân thực hiện giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn quản lý; bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình giải tỏa, cưỡng chế. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý đường bộ II, chính quyền địa phương thống kê các vụ tai nạn giao thông, cung cấp hồ sơ, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Yêu cầu Sở Nội vụ trên cơ sở báo cáo của Sở Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh, tổng hợp vào báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị theo quy định tại Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 28/01/2021 về Quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải khẩn trương, cân đối nguồn vốn, tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện cắm mốc lộ giới đối với các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch còn lại chưa được cắm mốc; đảm bảo hoàn thành việc cắm mốc lộ giới các tuyến đường tỉnh trong năm 2024. Tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT, điểm đen TNGT trên các tuyến đường tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; trong đó, ưu tiên tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang an toàn đường bộ. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện quản lý, giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn. Tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn, trong đó ưu tiên khu vực nội thị, thị trấn, thị tứ, đoạn qua khu đông dân cư; chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT (theo quy định tại Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 28/01/2021); trong đó: phân công cụ thể và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cho từng phòng, ban, đơn vị trong công tác đảm bảo hành lang ATGT đường bộ (không để tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng vỉa hè trái phép, đặt biển hiệu phục vụ kinh doanh trái quy định...).

Cũng tại Thông báo, UBND tỉnh đề nghị Khu Quản lý đường bộ II, Bộ Giao thông vận tải tăng cường, phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đối với các tuyến quốc lộ được giao quản lý trên địa bàn tỉnh, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của từng giai đoạn. Rà soát, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để hoàn thành việc cắm mốc lộ giới trên các tuyến quốc lộ do Khu Quản lý đường bộ II quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa…

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)