(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND ngày 10/11/2023 về triển khai thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Mục đích của Tháng hành động nhằm tổ chức đợt cao điểm thông tin, tuyên truyền, hoạt động nhằm vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, gia đình và người dân tại cộng đồng tích cực tham gia thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, yêu cầu các hoạt động của Tháng hành động phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa và linh hoạt, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị; lồng ghép với các chương trình, đề án, hoạt động khác để tạo sự lan tỏa sâu rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Tháng hành động.

Thời gian thực hiện Tháng hành động từ ngày 15/11/2023 đến ngày 15/12/2023.

Các nội dung thực hiện của Kế hoạch, gồm:

(1) Triển khai thực hiện Tháng hành động: Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Tháng hành động thiết thực, hiệu quả, ưu tiên tập trung thực hiện các hoạt động theo chủ đề của Tháng hành động; ban hành kịp thời các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động đa dạng, đồng bộ, hiệu quả và có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp.

Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động bằng các hình thức phù hợp như: Lễ mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động hoặc tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động để huy động, vận động các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong toàn xã hội tích cực hưởng ứng thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh.

(2) Tổ chức các hoạt động truyền thông: Tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, các trang thông tin điện tử và các mạng xã hội; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư phù hợp với từng nhóm đối tượng; treo băng-rôn, pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền tại cơ quan, đơn vị, trường học, các khu công nghiệp, trên các trục đường chính, khu vực tập trung đông người v.v… để thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên trong hành động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2023, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, vai trò và ý nghĩa của việc tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong thúc đẩy bình đẳng giới; tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác, sân khấu hóa, hội diễn tuyên truyền viên giỏi), giao lưu văn nghệ, thể thao v.v…

Các cơ quan, đơn vị tăng cường vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân đưa các tin, bài về các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tại cơ quan, đơn vị, địa phương để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các cơ quan thông tin đại chúng.

(3) Quan tâm huy động, vận động nguồn lực để thực hiện các hoạt động hướng ứng Tháng hành động và tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, mua bán, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới), phụ nữ vi phạm pháp luật hoàn lương v.v…

(4) Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, đơn vị. Xác minh, xử lý và giải quyết kịp thời các vụ việc, đơn thư phản ánh, tố cáo các hành vi bạo lực trên cơ sở giới.

Bộ nhận diện truyền thông của Tháng hành động như sau:

(Về hình ảnh: Nhìn thoáng là 1 trái tim. Ngắm kỹ là một con người được ghép từ 2 hình người đang ôm nhau, hòa nhập thành một. Hình ảnh biểu đạt cảm xúc yêu thương, gắn kết khăng khít, gần gũi. Hai cánh tay ôm nhau kết thành hình ảnh chiếc ruy băng trắng - là biểu tượng của chiến dịch toàn cầu lớn nhất của nam giới, bắt đầu từ năm 1991, nhằm chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, chiến dịch đã được thực hiện tại hơn 57 quốc gia trên thế giới. Về màu sắc: Màu cam đã được Liên hiệp quốc lựa chọn là màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. - Ruy băng màu trắng là biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới).

Các khẩu hiệu, thông điệp tuyền thông hưởng ứng tháng hành động năm 2023, gồm: (1) Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023!; (2) Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai; (3) Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội; (4) Tăng quyền năng cho phụ nữ là tăng vị thế quốc gia; (5) Giới tính không quyết định năng lực và trình độ; (6) Nam nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc; (7) Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc; (8) Mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là vi phạm pháp luật; (9) Mọi hình thức bạo lực đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh; (10) Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; (11) Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương; (12) Hãy chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; (13) Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em; (14) Hãy lên tiếng khi bị bạo lực; (15) Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực; (16) Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và người bị xâm hại; (17) Đồng tình với bạo lực là bạn đang cổ xúy cho hành vi sai trái!; (18) Không đổ lỗi cho người bị bạo lực!; (19) Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay.

Kinh phí tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với các đơn vị cấp tỉnh được bố trí trong dự toán chi thường xuyên trong năm 2023 của các đơn vị; đối với các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành), nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và các nguồn huy động, vận động hợp pháp khác.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách về an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; phối hợp với các thành viên của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và theo dõi, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Tháng hành động về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh trước ngày 31/12/2023.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)