(Thanhhoa.dcs.vn): Trong 10 tháng năm 2023, ngành Thú y và các địa phương trong cả nước đã cơ bản kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh trong nước đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 như bệnh DTLCP, Lở mồm long móng (LMLM), Cúm gia cầm (CGC), Viêm da nổi cục (VDNC), Tai xanh, Dại…. Nguyên nhân: (i) Tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong khu vực (như bệnh DTLCP, LMLM, CGC, VDNC…) diễn biến rất phức tạp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao; (ii) Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò tại nhiều địa phương chưa được kiểm soát tốt; (iii) Sau một số năm, dịch bệnh động vật trong nước được kiểm soát tốt, nhiều địa phương chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, chưa chú trọng đến phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, việc tiêm phòng các bệnh cho đàn vật nuôi đạt tỷ lệ rất thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh; (iv) Một số địa phương, doanh nghiệp và người dân chưa thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện, báo cáo, xử lý dịch bệnh theo quy định, tình trạng bán chạy gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh đáng báo động; kết quả giám sát chủ động cho thấy một số loại mầm bệnh như DTLCP, LMLM, CGC, Dại, Nhiệt thán… còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao; (v) Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí và các nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; (vi) Thời tiết biến đổi tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây ra dịch bệnh.

Ngày 03 tháng 11 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì, chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất, cung ứng thuốc thú y và vắc xin, hiệp hội có liên quan, Tổ chức USAID và FAO tại Hà Nội và một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người chăn nuôi tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia, chỉ thị, công điện; trong đó tập trung những nhiệm vụ quan trọng sau đây:

(1) Kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò và các sản phẩm động vật tại nhiều địa phương theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 01/8/2023; các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

(2) Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm (LMLM, CGC, VDNC, Tai xanh, Dại, Nhiệt thán, đặc biệt cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP), nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

(3) Tổ chức triển khai giám sát chủ động để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; thực hiện nghiêm báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS).

(4) Tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng dịch, ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật…

(5) Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định.

(6) Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

(7) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh…

(8) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.

(9) Ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai có hiệu quả: (i) "Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030"; (ii) "Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030"; đặc biệt khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

(10) Bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia.

(11) Thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Bộ Nông nghiệp và PTNT giao:

Cục Thú y: (i) Tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; (ii) Rà soát, hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm nghiệm, khảo nghiệm và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc, vắc xin thú y, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh động vật; đồng thời tham mưu chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, buôn bán, sử dụng thuốc, vắc xin thú y giả, kém chất lượng, chưa được phép lưu hành; (iii) Xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch quốc gia về giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang các nước; (iv) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.

Cục Chăn nuôi: (i) Tăng cường phối hợp với các địa phương để kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; (ii) Chủ trì, phối hợp và tham mưu các giải pháp về quản lý chăn nuôi, đăng ký trang trại chăn nuôi có khả năng truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Ngày 10/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 17072/UBND-NN giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan (nếu thấy cần thiết), căn cứ quy định hiện hành của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu trên; báo cáo, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)