(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 07/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt “Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện Ngọc Lặc đã triển khai thực hiện kế hoạch, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn toàn huyện bước đầu đã có những kết quả.
UBND huyện Ngọc Lặc đã triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn huyện, lồng ghép vào các cuộc họp, lớp đào tạo tập huấn, hội nghị nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và người dân nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời vận động, hướng dẫn các tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng trên địa bàn huyện tiếp cận, ứng dụng các công nghệ số, giải pháp truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, UBND huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép vào các kế hoạch hoạt động của đơn vị, phối hợp với các phòng chuyên môn, các ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch. Thông báo đến các đơn vị và các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện về việc tổ chức khóa đào tạo chuyên gia mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc tại Công văn số 3050/UBND-KTHT ngày 08/11/2023. Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa đáp ứng tiêu chí lựa chọn triển khai thực hiện áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, ưu tiên các sản phẩm OCOP, đăng ký nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; phối hợp, đề xuất danh mục sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chí có nhu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu là 11 cơ sở; số lượng tem truy xuất nguồn gốc cần hỗ trợ là 62.000 cái.
Việc triển khai thực hiện Quyết định 1221/QĐ-UBND ngày 07/4/2020 góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về TXNG, ý thức trong việc chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc… cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, kinh phí phục vụ cho công tác triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc, thói quen và ý thức làm việc chưa tuân thủ quy trình cũng là yếu tố khó khăn cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể. Chất lượng ứng dụng truy xuất nguồn gốc của một số sản phẩm chưa chi tiết, ứng dụng chỉ mang đến một số thông tin chung chung theo dạng điện tử hóa tem nhãn, giới thiệu thông tin về sản phẩm chứ không phải lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối của sản phẩm đó. Nhiều tem truy xuất nguồn gốc được gắn thông tin tự động, mang tính đối phó, làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng.
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nhân lực và nhận thức của một số cán bộ quản lý cơ sở về “triển khai, ứng dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao công tác quản lý nhà nước trong điều kiện kinh tế hội nhập quốc tế” còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn; cơ quan quản lý ở cấp cơ sở chưa có nhiều kinh nghiệm, nghiệp vụ trong hoạt động triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trong thực tiễn để hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn. Quy mô năng lực của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chưa thực sự đáp ứng tiêu chí lựa chọn thực hiện áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…