(Thanhhoa.dcs.vn): Theo Báo cáo của Văn phòng Chính phủ (Báo cáo số 8244/BC-VPCP ngày 23/10/2023), trong thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện.
Công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế được tăng cường; nhiều cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BNV hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử; Hội đồng nhân dân 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (trong đó có tỉnh Thanh Hóa),...; 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã kịp thời ban hành Kế hoạch, nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; có 51/85 bộ, cơ quan, địa phương (chiếm 60%) thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của BPMC, quy chế Hệ thống tin giải quyết TTHC để bổ sung quy trình số hóa trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp quan trọng để đổi mới công tác thực hiện số hóa dữ liệu trên cơ sở gắn kết trực tiếp với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm hình thành cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; đến nay, 63/63 địa phương đã thực hiện triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022), góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành như: dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe,... Một số địa phương thực hiện tốt như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Bình Phước, Bình Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau,...
Thực hiện Đề án 06, 16 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,., trong đó 09 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân,.; đã tích hợp để thay thế thẻ Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp điện tử trong thực hiện thủ tục khám chữa bệnh tại 12.597 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 98,2%; thực hiện đồng bộ, làm sạch dữ liệu của hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó có hơn 82,3 triệu người đang đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 94% tổng số người tham gia), tạo cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội; đã thu nhận 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản, có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử để chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc sử dụng tài khoản VNelD trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 59/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc khai thác tài nguyên dữ liệu phục vụ số hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả hơn và có một số kết quả nổi bật như: Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản, với 2,8 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, trung bình mỗi ngày có 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng. Có 03 Bộ (Nội vụ, Tư pháp, Giao thông vận tải) và 31 địa phương (trong đó có tỉnh Thanh Hóa) đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. về số lượng, tại các bộ, ngành, có khoảng gần 4,5 nghìn thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (bao gồm cả các thủ tục hành chính của cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương) thì có khoảng 1,9 nghìn TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 42%), 1,3 nghìn dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 28,8%). Tại các địa phương, trung bình mỗi tỉnh có khoảng gần 1,9 nghìn thủ tục hành chính thì có khoảng 853 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 46,5%), 604 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 32,9%); về số lượng hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành khoảng 80,7% (tăng 1,5 lần so với năm 2022), của địa phương khoảng 63,5% (tăng 1,8 lần so với năm 2022) trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC. Một số địa phương thực hiện tốt như: Đà Nẵng; An Giang; Bắc Giang; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Định; Bình Dương; Cà Mau; Hải Dương; Nghệ An; Thanh Hóa; Hà Nam; Hải Phòng; Thái Nguyên; Thái Bình; ...
Đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa được đẩy mạnh, cả nước đã thành lập tổng số 11.956 Bộ phận Một cửa (BPMC) các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể như sau: Tại bộ, cơ quan ngang bộ đã thành lập 867 BPMC; địa phương đã thành lập 11.089 BPMC, trong đó: Tại cấp tỉnh có 58/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, còn 05 địa phương chưa thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC), gồm: Thành phố Đà Nẵng vẫn duy trì 31 BPMC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố (19 BPMC tại các sở, ngành và 12 BPMC tại các đơn vị trực thuộc sở, ngành) và 04 địa phương vẫn duy trì mô hình BPMC tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh (gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Điện Biên); Tại cấp huyện, có 754 BPMC; Tại cấp xã, có 10.277 BPMC được thành lập tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay quy định thủ tục hành chính trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công còn yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực sự gắn việc đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức định kỳ, hàng năm. Chưa phát huy được nhân tố con người trong thực hiện đổi mới, chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính; chưa phát huy được vai trò của cải cách, tiềm năng của dữ liệu trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất lao động; chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa lấy người dùng làm trung tâm; chậm phát hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm,..; hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu đồng bộ; tâm lý, thói quen làm theo phương thức truyền thống, kỹ năng số của một bộ phận người dân chưa được cải thiện; chưa huy động được sự tham gia, giám sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…