(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Kế hoạch hành động số 150-KH/TU ngày 31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 17/10/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch hành động số 150- KH/TU ngày 31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND ngày 04/5/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND ngày 02/11/2023 về triển khai thực hiện công tác đảm bảo hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mục đích nhằm cụ thể hoá nội dung, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động số 104/KH-UBND ngày 04/5/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới đến tận cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành chức năng, địa phương, các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức của mọi người trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông (HLATGT) nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Tiếp tục giải quyết, xử lý tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm HLATGT trên địa bàn tỉnh; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. 

*Các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch, gồm:

(1) Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương, với nòng cốt là cấp ủy và chính quyền cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý HLATGT, giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

(2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, sử dụng HLATGT theo quy định; vận động nhân dân tự giác tháo dỡ, dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, HLATGT gây cản trở giao thông; đảm bảo duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới.

(3) Tăng cường quản lý HLATGT:

a) Tăng cường công tác phối hợp về quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm HLATGT giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý đường bộ với UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

b) Không được sử dụng HLATGT đường bộ trái quy định để hoạt động kinh doanh dịch vụ, tập kết vật liệu và rác thải; bố trí các khu buôn bán tập trung một cách hợp lý để tạo dần thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân.

c) Đẩy mạnh mô hình đoạn đường tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, tổ dân cư, tổ dân phố đối với đoạn tuyến đường bộ qua địa bàn.

d) Đối với các dự án có vị trí quy hoạch dọc hai bên đường quốc lộ, đường tỉnh trong quá trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ về phương án đấu nối, đường gom, thoát nước của đường bộ và quy định liên quan HLATGT trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh uỷ tại Văn bản số 215-CV/TU ngày 31/5/2021 và của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 12/CTUBND ngày 04/6/2021, Văn bản số 9723/UBND-CN ngày 07/7/2021.

e) Thực hiện cắm mốc lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ HLATGT.

(4) Tổ chức giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT, cụ thể:

a) Thực hiện rà soát, thống kê, phân loại các công trình xây dựng, vật kiến trúc vi phạm, lấn chiếm lề đường, vỉa hè, phạm vi đất bảo vệ bảo trì đường bộ, HLATGT gây cản trở giao thông; mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

b) Tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, HLATGT gây cản trở giao thông.

c) Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

d) Tổ chức các biện pháp cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành đầy đủ nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm theo quy định.

e) Thực hiện quản lý, giám sát, bảo vệ phần đất HLATGT đã giải toả; kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơi nới, tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, HLATGT; gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, HLATGT gây ách tắc giao thông, mất trật tự đô thị, an toàn giao thông.

g) Thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thu hồi đất đối với các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất HLATGT do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông…).

*Về tiến độ thực hiện:

(1) Năm 2023 - 2024: Với chủ đề: “Xử lý tình trạng vi phạm, lấn chiếm HLATGT trên địa bàn tỉnh”: Tập trung rà soát, xử lý, giải tỏa vi phạm gây mất trật tự an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ theo nội dung Kế hoạch.

(2) Các năm tiếp theo: Với chủ đề: “Duy trì kết quả đạt được, đẩy mạnh giải tỏa vi phạm HLATGT, chỉnh trang đô thị”, trong đó tập trung:

(i) Thường xuyên rà soát các vị trí bị tái lấn chiếm; xác định lý do, nguyên nhân để đưa ra các giải pháp chống tái lấn chiếm HLATGT hiệu quả, duy trì kết quả đã đạt được trong năm 2023 - 2024.

(ii) Tiếp tục thực hiện giải tỏa các công trình, vật kiến trúc vi phạm quy định trên đất HLATGT trên các tuyến đường đô thị, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã; hoàn thành công tác xác định mốc giới trên các tuyến đường bộ để quản lý bảo vệ HLATGT theo quy định. (iii) Tiếp tục giải tỏa các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất HLATGT do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông…) trên các tuyến đường đô thị, quốc lộ và đường tỉnh.

(iv) Bố trí, sắp xếp vị trí đỗ xe, trông giữ xe tại các địa điểm phù hợp quy hoạch; chấn chỉnh hoạt động bán hàng rong, chợ cóc, chợ tạm… trên địa bàn các thành phố, thị xã, thị trấn.

(v) Xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp đất, giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất trái quy định trong phạm vi HLATGT; xử lý dứt điểm các vi phạm về quy hoạch xây dựng ven các tuyến giao thông đường bộ.

(vi) Xử lý dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong quá trình giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

*Nguồn kinh phí: Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cân đối ngân sách để triển khai thực hiện việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm và quản lý HLATGT theo phân cấp quản lý, cụ thể:

(i) Đối với quốc lộ: Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý đường bộ II báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét bố trí kinh phí để thực hiện;

(ii) Đối với đường tỉnh: Giao Sở Tài chính tham mưu nguồn kinh phí để triển thực hiện.

(iii) Đối với đường huyện, đường xã: UBND cấp huyện, cấp xã chủ động bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)