(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, nhờ sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan trong tỉnh và sự quyết liệt của các đơn vị trong ngành Y tế, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả kiểm tra chất lượng thuốc của Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa trong các năm 2022 và năm 2023 đã kịp thời phát hiện một số mẫu thuốc vi phạm chất lượng, trong đó một số mẫu là thuốc giả, ngăn chặn tác động không tốt đến sức khoẻ người dân. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thuốc và tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, Sở Y tế vừa ban hành Công văn số 5675/SYT-NVD ngày 05/12/2023, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 27/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chỉ đạo các phòng chức năng, các đơn vị liên quan (Công an, Quản lý Thị trường, cán bộ phụ trách công tác Y tế của UBND huyện...) phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn quyết liệt hơn nữa trong việc theo dõi, quản lý các cơ sở kinh doanh dược; xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dược mua, bán thuốc trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn nguồn gốc rõ ràng. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tăng cường hoạt động giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hành nghề kinh doanh dược. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò trong việc quản lý các cơ sở hành nghề kinh doanh dược trên địa bàn, đặc biệt là phát hiện cơ sở kinh doanh dược có kinh doanh thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có biện pháp xử lý cương quyết, kịp thời theo thẩm quyền.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh thuốc và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng một số nội dung gồm:
- Đối với cơ sở kinh doanh thuốc: Thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn về dược, đặc biệt là quy chế quản lý chất lượng thuốc, duy trì và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt"- GPs tại cơ sở kinh doanh thuốc, thường xuyên và tuân thủ các quy định của cơ quan Quản lý Nhà nước tại địa phương. Thường xuyên cập nhật chính xác số liệu xuất nhập tồn và hạn dùng của thuốc lên hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia theo quy định của Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Thực hiện kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép. Chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng những thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được cung cấp bởi các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghiêm cấm hành vi kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu.
- Đối với người dân: Chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp, không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan có chức năng liên quan. Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không đạt chất lượng để người dân biết và không sử dụng.