Công tác ngoại giao kinh tế phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, đồng thời phải hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; nắm chắc và phản ứng chính sách kịp thời hơn, nhanh hơn; các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, chân thành, tôn trọng, tin cậy; bám sát yêu cầu trong nước.

Sáng 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề: Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Phiên toàn thể Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước. (Ảnh: Baoquocte).

Phiên ngoại giao có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu Thanh Hoá, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành dự hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đối với ngành ngoại giao trong thời gian qua, khẳng định sự coi trọng cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược, linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên cường vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngoại giao kinh tế đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước (Ảnh: Baoquocte).

Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi. Ngành ngoại giao đã cùng với quốc phòng và an ninh giữ vững trật tự, an toàn xã hội bên trong, môi trường hòa bình, ổn định bên ngoài, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế cũng đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp đã tham luận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được; trong đó, làm rõ và sâu sắc hơn kết quả và rút ra các bài học kinh nghiệm.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.

Cùng với đó, các tham luận cũng phân tích, cập nhật triển vọng kinh tế thế giới với những xu hướng phát triển mới cần thích ứng mạnh mẽ; cơ hội và triển vọng hợp tác với các thị trường ngoại giao tiềm năng của Việt Nam như: EU, Trung Quốc, các quốc gia khu vực Trung Đông...; đánh giá lợi thế và phương pháp tiếp cận, tranh thủ các Hiệp định thương mại mới để đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập sâu rộng; yêu cầu của công tác ngoại giao trong thời gian tới...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương kết quả của ngoại giao kinh tế trong năm 2023 với 6 điểm nổi bật: Liên tục đổi mới tư duy; kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như vấn đề đại dịch, vấn đề chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng; tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc; thúc đẩy ngoại giao Nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Baoquocte).

Thủ tướng yêu cầu, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần kế thừa và phát huy những thành tựu từ giai đoạn trước và phát triển lên nữa, phù hợp với tình hình thế giới và giai đoạn hiện nay. Trong đó cần tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực để tham mưu chính sách ngoại giao phù hợp, hiệu quả; kết hợp nhuần nhuẫn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh bên trong với bên ngoài.

Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế cần giải quyết tốt các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân; góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, huy động nguồn lực phát triển đất nước; phát huy nguồn lực nội sinh, giá trị văn hóa; thúc đẩy ngoại giao Nhân dân, ngoại giao kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các địa phương.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.

Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác ngoại giao kinh tế phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, đồng thời phải hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; nắm chắc và phản ứng chính sách kịp thời hơn, nhanh hơn; các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, chân thành, tôn trọng, tin cậy; bám sát yêu cầu trong nước.

Dự báo tình hình kinh tế năm 2024 tiếp tục diễn biến khó khăn hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động nắm chắc, dự báo tốt tình hình; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về ngoại giao kinh tế, tổ chức thực hiện với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược mới; bám sát xu thế, bám sát thực tiễn, tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, với quan điểm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.

Tại Thanh Hoá, trong năm 2023, tỉnh đã chủ động tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại bằng nhiều hình thức đa đạng, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương trên thế giới.

Tỉnh đã tích cực trao đổi, đàm phán với các đối tác mới để xúc tiến việc ký kết các thỏa thuận quốc tế, góp phần quan trọng trong việc triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi thăm, làm việc tại nước ngoài nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác để phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.

Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã ký kết 8 thỏa thuận quốc tế, trong đó, có 6 thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND tỉnh Thanh Hóa và 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh các ngành, địa phương trong tỉnh; ngoài ra có 2 thỏa thuận của các trường đại học trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp nước ngoài. Việc ký kết thỏa thuận quốc tế trên đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ký kết.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường và vùng lãnh thổ, với 55 chủng loại hàng hoá. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng có thêm nhiều sản phẩm có giá trị tăng cao, chế biến sâu tham gia xuất khẩu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 5 tỷ USD.

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký đầu tư khoảng 209,87 triệu USD, tăng 294,76% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 19 trong số các tỉnh, thành phố có vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,625 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước. Ngoài ra, có 6 chương trình, dự án ODA do tỉnh quản lý được giao kế hoạch vốn năm 2023, với tổng số vốn được giao là 628,551 tỷ đồng.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)