(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; cụ thể như sau:

Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới: Hiện nay, toàn tỉnh có 53.502 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, trong đó: mầm non và phổ thông 52.742 người; giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên 760 người. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 94,8% (mầm non 95%, tiểu học 92,5%, THCS 95%, THPT-GDTX 100%). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới được tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 99,9% cán bộ quản lý, giáo viên ở cả 03 bậc học (tiểu học, THCS, THPT) đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 được tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới.

Quy mô trường, lớp được duy trì ổn định; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước bảo đảm. Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mua sắm trang thiết bị triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025", tổng kinh phí dự kiến 75,8 tỷ đồng, để đầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ hiện đại cho 27 trường THPT và đầu tư trang thiết bị tối thiểu phục vụ dạy và học ngoại ngữ cho 1.289 trường phổ thông tại các huyện, thị xã, thành phố.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 17/6/2020 về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu bố trí 1.630 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường học; ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14/10/2021 về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu bố trí 2.325 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 7.177 phòng học (trong đó: mầm non 3.644 phòng học với kinh phí 1.275 tỷ đồng, tiểu học 1.262 phòng học với kinh phí 277 tỷ đồng, THCS 2.065 phòng học với kinh phí 702 tỷ đồng, THPT-GDTX 206 phòng học với kinh phí 70 tỷ đồng).

Từ năm 2020 đến năm 2022, tỉnh đã đầu tư 300,8 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó: kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 1 là 122,8 tỷ đồng; kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 6 là 84,3 tỷ đồng; kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 2 là 43,3 tỷ đồng; kinh phí tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục 43,5 tỷ đồng; kinh phí lựa chọn sách giáo khoa 6,1 tỷ đồng; kinh phí thẩm định tài liệu địa phương 600 triệu đồng.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện công khai, minh bạch. UBND tỉnh đã phê duyệt Danh mục sách giáo khoa đối với mỗi lớp học trong năm học của các cơ sở giáo dục; đồng thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông tổng hợp nhu cầu và phối hợp với các nhà xuất bản để lựa chọn đơn vị có đủ năng lực cung ứng, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, kịp thời phục vụ việc dạy và học.

Đối với việc xây dựng, phát hành tài liệu giáo dục địa phương: Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10 và đang phối hợp với các nhà xuất bản thực hiện in ấn, phát hành tài liệu.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; số học sinh lựa chọn môn học tự chọn không đồng đều gây khó khăn trong việc xếp lớp, cân đối sĩ số học sinh, gây ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; điều kiện cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để tổ chức dạy học môn “Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp” của nhiều trường chưa đảm bảo.

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)