(Thanhhoa.dcs.vn): Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 12 trận thiên tai; làm 01 người chết; gây thiệt hại 42 căn nhà, 5.687 ha lúa, 33 ha mạ, 1.890 ha hoa màu, rau màu, 1.695 ha cây trồng hàng năm, 472 con gia súc, 42.516 con gia cầm...; đường giao thông (trên các tuyến Quốc lộ và đường tỉnh) bị sạt lở taluy dương, hư hỏng mặt đường tại 1.184 vị trí với khối lượng khoảng 58.723 m3, sạt taluy âm tại 49 vị trí với tổng chiều dài 353 m và nhiều tài sản khác; ước tính giá trị thiệt hại khoảng 679,138 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống rủi ro thiên tai; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho 393.359 ha rừng tự nhiên, 80.368 ha rừng đặc dụng, 156.583 ha rừng phòng hộ; trồng mới 227,48 ha rừng phòng hộ, phục hồi 64,51 ha rừng phòng hộ; ứng dụng công nghệ theo dõi dự báo cháy rừng qua hệ thống camera giám sát với quy mô 66.000 ha và qua ứng dụng website theo dõi của Cục Kiểm lâm về cảnh báo cháy rừng với quy mô 648.370 ha... Áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà màng, nhà lưới tại các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nghi Sơn với diện tích 100 ha. Chọn tạo và áp dụng giống cây trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu, như: Ngô biến đổi gen (kháng sâu đục thân, sâu keo...) với diện tích 10.900 ha; giống lúa kháng bạc lá (Bắc thơm số 7 KBL, TBR 225 mới), kháng bệnh đạo ôn (BC15 mới), với diện tích 25.000 ha; giống mía nuôi cấy mô (sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao), với diện tích 2.000 ha; xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa, quả an toàn trong nhà kính, nhà lưới tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định..., với diện tích 160 ha.

UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện chương trình điều tiết phụ tải và tiết kiệm năng lượng năm 2022; theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025; tiết kiệm 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước đó đối với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm... Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 08/7/2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đã được phê duyệt Quy hoạch với tổng công suất 235MW (trong đó: Dự án ĐMT Yên Thái, công suất 30MWp đã hoàn thành và đi vào hoạt động; 02 dự án ĐMT Kiên Thọ, công suất 45MWp, ĐMT Thanh Hóa I, công suất 160MWp đang triển khai đầu tư; 09 dự án đã được đề xuất bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 561,8 MWp gồm: Đồng Thịnh (44 MWp); Cẩm Thủy 1 (48 MWp); Yên Định mở rộng (42 MWp); Công Chính (50 MWp); Yên Lạc (40 MWp); Cao Ngọc (40MWp); Cụm Nhà máy ĐMT Lam Sơn huyện Ngọc Lặc (200MWp); Yên Định 1 (48MWp), Yên Định 2 (49,8MWp)).

Để tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 14/9/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”; tổ chức thực hiện Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 của Bộ Xây dựng về phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban hành “Đề án phát triển hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; trong đó có định hướng phát triển giao thông công cộng (tuyến cố định, xe buýt, xe taxi) và có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường (ô tô sử dụng năng lượng điện, khí hóa lỏng LPG...).

Công tác quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước được chú trọng. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo đúng quy định của Luật Đất đai, về nguyên tắc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đồng thời khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT, thích ứng với BĐKH. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng. Phê duyệt Đề cương chi tiết thực hiện nhiệm vụ “Lập, ban hành Danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; ban hành kế hoạch cắm mốc hành lang bảo bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh năm 2022, với tổng số 393 mốc trên 18 đoạn sông và đang triển khai, tổ chức cắm mốc tại thực địa. Đối với các hồ chứa thủy điện, đã hoàn thành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với 08 hồ chứa thủy điện, với tổng số 2.127 mốc.

Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình quan trắc môi trường định kỳ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025; trong đó, yêu cầu các cơ sở, các khu công nghiệp có lưu lượng xả nước thải từ 1000 m3/ngày đêm lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải; các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý. Đến nay, có 17 trạm quan trắc nước thải và 32 trạm quan trắc khí thải đã được đầu tư đi vào hoạt động.

Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển các-bon thấp thông qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời vào quá trình sản xuất sản phẩm; gia tăng sử dụng năng lượng khí sinh học; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, trồng rừng; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt một số nhiệm vụ khác nhằm tăng cường năng lực ứng phó, thích ứng với BĐKH trong các ngành của tỉnh.

Trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, để bảo đảm điều tiết thủy lợi, bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai thích ứng với BĐKH, UBND tỉnh đã phê duyệt, cập nhật, bổ sung đầy đủ các phương án, kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; phê duyệt phương án phòng lũ cho hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập cho 610 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tu bổ, nâng cấp 36 hồ chứa, gia cố 8,9 km mặt đê, tu sửa 07 cống qua đê... Ban hành và tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2022, các địa phương đã thực hiện di dời 296 hộ/1.419 khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá