(Thanhhoa.dcs.vn): Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển mạng lưới giáo dục mầm non tại các khu vực khó khăn, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Tại các khu vực khó khăn của tỉnh hiện có 111 trường mầm non công lập với 344 điểm trường trên địa bàn 12 huyện, thị xã (các huyện: Mường Lát 10 trường, Quan Hóa 17 trường, Quan Sơn 15 trường, Bá Thước 24 trường, Lang Chánh 11 trường, Thạch Thành 01 trường, Thường Xuân 17 trường, Như Xuân 06 trường, Như Thanh 04 trường, Hậu Lộc 02 trường, Triệu Sơn 02 trường và thị xã Nghi Sơn 02 trường).

Trong đó, có 70 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 63%; 107 trường có trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) theo học; có tổng số 1.491 phòng học (gồm 1.004 phòng kiên cố, đạt tỉ lệ 67,34%). Hiện nay, các trường duy trì 1.694 nhóm lớp với 25.185 trẻ đến trường.

Đội ngũ giáo viên hằng năm được quan tâm bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có 3.154 người; trong đó, có 2.755 giáo viên (gồm 2.591 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 164 giáo viên dưới chuẩn); số giáo viên dạy trẻ vùng DTTS là 2.658 người; số giáo viên biết tiếng DTTS là 2.309 người (chiếm tỷ lệ 73,2%).

Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non tại các khu vực nêu trên vẫn còn   một số khó khăn như: các huyện miền núi có trẻ vùng DTTS, xã khó khăn, xã bãi ngang ven biển đều xuất phát điểm có nền kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân không đồng đều; đa số trẻ vùng DTTS có vốn tiếng Việt còn hạn chế, tỷ lệ sử dụng tiếng Việt còn thấp; cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ dùng phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ còn thiếu; một số giáo viên dạy trẻ vùng dân tộc thiểu số là người Kinh dạy hợp đồng không thạo tiếng của trẻ DTTS, ảnh hưởng đến việc giao tiếp và dạy trẻ...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)