(Thanhhoa.dcs.vn): Sau 1 buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao; Phiên giải trình thứ 3 của Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII với chủ đề về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài trên địa bàn tỉnh đã kết thúc vào sáng nay ngày 13/4/2023. Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu kết luận Phiên giải trình. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Thanh Hóa xin giới thiệu lược ghi bài phát biểu kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng phát biểu kiết luận phiên giải trình. (Ảnh:baothanhhoa.vn)
Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội bằng nhiều hình thức; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội; số người tham gia bảo hiểm xã hội có sự gia tăng nhanh chóng. Đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của tỉnh.
Phiên giải trình cũng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong việc chậm đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua, như: Số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội năm sau tăng cao hơn năm trước, với số tiền ngày càng lớn; việc trích nộp đóng bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động thực hiện chưa đầy đủ, thiếu kịp thời, còn để xảy ra tình trạng chậm đóng; nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động; một số doanh nghiệp có biểu hiện chây ỳ, chiếm dụng vốn, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của các cơ quan chức năng còn ít, hiệu quả chưa cao; đến nay, Công đoàn vẫn chưa thực hiện khởi kiện đơn vị nào nợ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Thành phần tham gia và hoạt động của một số Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo hiểm xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội chưa chủ động thực hiện chức năng tham mưu cho chính quyền chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội. Ý thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động còn thấp, thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ pháp luật về bảo hiểm xã hội...
Trên cơ sở đánh giá làm rõ kết quả, những hạn chế, yếu kém và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài; Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, nhất là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan Bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động, các lực lượng Công an, Thuế trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội. Thành lập các Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra các đơn vị có số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội lớn, thời gian kéo dài. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, sớm khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị hành chính sự nghiệp để xảy ra tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội. Đưa tiêu chí đóng đúng, đóng đủ, kịp thời bảo hiểm xã hội vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị hằng năm. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động thì không xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
2. Đối với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp phải kiện toàn, củng cố lại với thành phần, cơ cấu đủ mạnh; trên cơ sở đó, chủ động tham mưu cho cấp ủy, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động phối hợp giữa các cơ quan để nâng cao kết quả thu hồi nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn.
3. Đối với ngành Bảo hiểm xã hội:
- Chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp về tình hình đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực hiện.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội. Rà soát, phân loại số đơn vị nợ, số tiền nợ và nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp với từng nhóm nợ. Hàng tháng, thống kê, rà soát những đơn vị, doanh nghiệp có số tiền nợ bảo hiểm xã hội lớn trên địa bàn, đề xuất giải pháp thu nợ cụ thể đối với từng đơn vị, doanh nghiệp. Giao chỉ tiêu giảm nợ, phân công cán bộ, viên chức bám sát đơn vị, doanh nghiệp; thường xuyên đôn đốc người sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm việc gửi Thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội đến đơn vị sử dụng lao động để đôn đốc đóng đầy đủ, đúng thời hạn.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp thu, thu nợ bảo hiểm xã hội và thanh tra, kiểm tra liên ngành đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện nghiêm việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng quy định.
- Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về trốn đóng, nợ đọng, gian lận bảo hiểm xã hội thì tập hợp hồ sơ, tài liệu, cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan Công an đánh giá sai phạm; hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an xử lý theo quy định của pháp luật.
- Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thu, nộp bảo hiểm xã hội. Công khai, minh bạch thông tin, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
4. Đối với cơ quan Công an cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi gian lận, cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan Bảo hiểm xã hội chủ trì tập hợp từ các đơn vị liên ngành và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
5. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội. Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện các trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý theo quy định đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
6. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng quý, cung cấp danh sách các đơn vị doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để theo dõi nợ và giải quyết đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
7. Đối với Sở Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện và phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
8. Đối với Cục Thuế tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội đôn đốc đơn vị đóng, nộp bảo hiểm xã hội theo quy định. Kịp thời phát hiện các đơn vị khai báo đã tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, hoặc đã nộp tiền bảo hiểm xã hội đầy đủ đưa vào chi phí hợp lý giảm trừ thuế nhưng chưa đóng hoặc nợ đóng bảo hiểm xã hội thì chuyển cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng quý, cung cấp thông tin cho cơ quan Bảo hiểm xã hội về danh sách các doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh, giải thể, dừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
9. Đối với Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thanh tra liên ngành đối với các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định.
10. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội với những hình thức và nội dung phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động và đoàn viên công đoàn, người lao động.
- Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Trong đó, tập trung giám sát các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Chỉ đạo công đoàn cơ sở, nhất là tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nghiên cứu hướng dẫn tổ chức Công đoàn thực hiện khởi kiện tại Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
11. Đề nghị cấp ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp, biện pháp thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp, giải pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
- Thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Tổ liên ngành thu nợ bảo hiểm xã hội do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm tổ trưởng. Chỉ đạo các phòng chuyên môn và các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai trên Cổng thông tin điện tử UBND huyện, thị xã, thành phố và các phương tiện thông tin đối với đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Bảo hiểm xã hội cấp huyện rà soát, xác định tình trạng hoạt động, tham gia bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn làm cơ sở để quản lý, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Phiên giải trình thứ 3 của Thường trực HĐND tỉnh đã kết thúc. Ngay sau Phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành kết luận; UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các đơn vị liên quan và 27 huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định lộ trình và phân công rõ trách nhiệm để tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh đẩy mạnh hoạt động giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận tại Phiên giải trình…