(Thanhhoa.dcs.vn): Theo thông tin của Cục Thú y trên Hệ thống Quản lý Thông tin Dịch bệnh Động vật Việt Nam, từ ngày 01/01/2023 đến 11/4/2023, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 06 ổ dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 tại 04 tỉnh Ninh Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh và Nghệ An, làm tổng số 8.594 con gia cầm mắc bệnh. Đồng thời, tình hình bệnh Cúm gia cầm do các chủng vi rút Cúm gia cầm độc lực cao gây ra trên thế giới đang diễn biến phức tạp, do đó nguy cơ các chủng vi rút Cúm gia cầm độc lực cao phát sinh, lây lan trên đàn gia cầm ở địa bàn tỉnh ta là rất cao do các nguyên nhân: (1) thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng tới sức đề kháng của gia cầm; (2) công tác kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được thực hiện triệt để; (3) tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh lớn (khoảng 24,5 triệu con), chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế; (4) vi rút Cúm gia cầm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh (theo kết quả giám sát năm 2022 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thì tỷ lệ lưu hành vi rút Cúm gia cầm là 0,95%); (5) tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm chưa đạt theo yêu cầu, ở một số địa phương tiến độ tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 còn chậm.

Để chủ động ngăn chặn bệnh Cúm gia cầm phát sinh, lây lan, gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là ngăn chặn bệnh Cúm gia cầm lây nhiễm sang con người làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 1673/SNN&PTNT-CNTY ngày 12/4/2023 đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 04/4/2019 về triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 14/11/2022 về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2023, Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND ngày 27/02/2023 về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh; trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung sau:

1. Phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn/bản, hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi dịch mới xuất hiện; báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình dịch bệnh kịp thời cho ngành thú y, y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp phòng, chống dịch hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch để lây lan dịch bệnh.

2. Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số lượng gia cầm trên địa bàn; tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm đảm bảo đạt tỷ lệ 100% gia cầm thuộc diện tiêm phòng, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 14/11/2022.

3. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh.

4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, cho người chăn nuôi về sự nguy hiểm của vi rút Cúm gia cầm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân, không vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với gia cầm.

5. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, lực lượng trên địa bàn giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh; tăng cường thực hiện công tác kiểm soát giết mổ gia cầm.

6. Chủ động bố trí đầy đủ các nguồn lực (kinh phí, con người, vật tư, hóa chất, vắc xin ...) đảm bảo sẵn sàng để tổ chức xử lý kịp thời trong diện hẹp nếu xảy ra ổ dịch Cúm gia cầm.

Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục thực hiện giám sát lưu hành vi rút Cúm gia cầm, cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa)