(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); mở rộng diện bao phủ BHXH trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH.
Tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 400.905 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 9.997 người so với cùng kỳ); có 80.253 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 4.658 người so với cùng kỳ); có 375.011 người tham gia BHTN (tăng 10.036 người so với cùng kỳ); có 3.143.310 người tham gia BHYT (tăng 96.610 người so với cùng kỳ). Tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc so với tổng số người thuộc diện tham gia đạt 92,51%; tỷ lệ người tham gia BHTN so với tổng số người thuộc diện tham gia đạt 89,6%. Tốc độ tăng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bình quân hàng năm giai đoạn 2018-2022 đạt 6,4%/năm; tham gia BHTN đạt 4,9%/năm. Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 2020" và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "Về cải cách chính sách BHXH"; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động vẫn còn xảy ra ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 1.755 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên, với tổng số tiền nợ trên 422,061 tỷ đồng, cụ thể:
Nợ BHXH, BHYT, BHTN trong khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể: Tổng số đơn vị nợ là 1.752 đơn vị, số tiền nợ là 418,5 tỷ đồng, chiếm 99,16% tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên; trong đó: Có 720 mã đơn vị nợ từ 03 tháng đến dưới 12 tháng, với số tiền nợ 69 tỷ đồng; 488 mã đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên, với số tiền nợ 226,3 tỷ đồng; 544 mã đơn vị nợ khó thu (giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn...) đã dừng tính lãi với số tiền nợ 123,2 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đang hoạt động, có đông lao động và số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, điển hình như: Công ty cổ phẩn vật tư tổng hợp Thanh Hoá có 84 lao động, nợ 18 tháng với số tiền 1,6 tỷ đồng; Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 831 lao động, nợ 24 tháng với số tiền 21 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động, nợ 81 tháng với số tiền 15,7 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 206 lao động, nợ 23 tháng với số tiền 6,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 5 có 63 lao động, nợ 54 tháng với số tiền 15,3 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 55 lao động, nợ 57 tháng với số tiền 9,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV JLG Vina có 100 lao động, nợ 33 tháng với số tiền 4,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone có 131 lao động, nợ 20 tháng với số tiền 2,8 tỷ đồng; Công ty TNHH máy may Triệu Sơn có 128 lao động, nợ 16 tháng với số tiền 2,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng giao thông thuỷ lợi Giang Sơn có 54 lao động, nợ 29 tháng với số tiền 1,6 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp còn ít lao động, có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài; cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh nhiều lần nhưng không thu hồi được nợ, như: Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chỉ còn 01 lao động, nợ 7,7 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng Hancorp.2, chỉ còn 02 lao động, nợ 37,9 tỷ đồng…
- Nợ BHXH, BHYT, BHTN trong khối hành chính sự nghiệp: Hiện có 03 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên, với số tiền nợ 3,561 tỷ đồng, gồm: Ban quản lý đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa nợ 3,1 tỷ đồng; Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa nợ 295 triệu đồng; Ban quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng nợ 166 triệu đồng.
Tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, gây thiệt thòi, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: Tình hình sản xuất kinh, doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông lao động gặp khó khăn; một số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, bị sụt giảm hoặc không còn đơn hàng, phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động…, dẫn đến không còn khả năng tham gia, trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Các đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng với thời gian dài đều là đơn vị được giao tự chủ về biên chế, tài chính, gặp khó khăn do không có nguồn thu, sử dụng biên chế chưa hiệu quả, dẫn đến chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế cho thấy còn có tình trạng doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động đã khấu trừ phần kinh phí phải đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng cho người lao động nhưng vẫn không nộp đúng hạn cho cơ quan BHXH mà cố tình chây ỳ, sử dụng nguồn kinh phí này để phục vụ cho mục đích lợi nhuận khác (do lãi suất chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH). Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra lao động các cấp còn mỏng, trong khi cơ quan BHXH lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt hành chính nên mặc dù thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhưng hiệu quả chưa cao. Các quy định, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập, thủ tục phức tạp và chưa đủ sức răn đe; hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về xử lý hình sự khi chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; trong thời gian tới, kiến nghị các cấp, các ngành, các địa phương một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Hướng dẫn các cấp công đoàn, đơn vị sử dụng lao động vận động người lao động cài đặt ứng dụng "VssID - BHXH số" trên thiết bị di động để theo dõi, giám sát quá trình đóng và quyền lợi hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp không tham gia đầy đủ, kịp thời thì người lao động phản ánh với tổ chức công đoàn hoặc đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Luật BHXH.
Hai là, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; kiện toàn, củng cố tổ chức, lực lượng thanh tra lao động các cấp; xử phạt theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ba là, tiếp tục đưa tiêu chí đóng đúng, đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Không hiệp y các danh hiệu thi đua, công nhận tổ chức chính trị - xã hội đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hằng năm; không phê duyệt trúng thầu xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước) đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Bốn là, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với tổ chức Công đoàn và cơ quan Công an, căn cứ các quy định của pháp luật để xem xét khởi kiện ra tòa án đối với những doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thu thập hồ sơ, tài liệu chứng minh yếu tố gian dối, gian lận trong việc chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN để chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với trường hợp cố tình vi phạm theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm.
Năm là, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất với các bộ, ngành Trung ương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp về xử lý nợ BHXH với doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, dừng hoạt động..., không còn khả năng trả nợ BHXH; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, đặc biệt là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các quy phạm pháp luật liên quan. Chủ động đánh giá những vướng mắc trong thực hiện quy định về khởi kiện của tổ chức công đoàn theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn và khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong tổ chức thực hiện, góp phần răn đe vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.