Tham nhũng được xem là “khuyết tật bẩm sinh”, là “sự tha hóa” của quyền lực; là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công”, là “căn bệnh nguy hiểm” là “giặc nội xâm” gây tổn hại cho xã hội, làm mất niềm tin của Nhân dân, đe dọa đến tồn vong của chế độ. Do vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta xác định phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” đầy khó khăn, phức tạp và phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, “không nghỉ, không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Hiện nay cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng ta đã đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” và “đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược” theo phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”. Từ nhận thức đó, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ, nhằm góp phần đấu tranh PCTN, tiêu cực từ sớm, từ xa.
Thực hiện chủ trương trên, trong năm 2022 và qúy I-2023, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.757 lượt tổ chức đảng và 5.385 lượt đảng viên; trong đó: cấp tỉnh kiểm tra 37 lượt tổ chức đảng và 13 lượt đảng viên; cấp huyện và tương đương kiểm tra 431 lượt tổ chức đảng và 572 lượt đảng viên; cấp ủy cơ sở kiểm tra 1.289 lượt tổ chức đảng và 3.056 lượt đảng viên; chi bộ kiểm tra 1.744 lượt đảng viên. Cấp ủy các cấp đã tiến hành giám sát 2.062 lượt tổ chức đảng cấp dưới và 6.069 lượt đảng viên; chi bộ giám sát 1.389 lượt đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp giám sát 1.568 tổ chức đảng và 4.392 lượt đảng viên. Qua giám sát đã phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 39 tổ chức đảng và 1.109 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận có vi phạm 22 tổ chức đảng và 1.038 đảng viên; vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật 14 tổ chức đảng và 1.038 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng và 878 đảng viên; số còn lại đang xem xét xử lý, kỷ luật.
Nội dung kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây đựng Đảng; trong đó tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều sai phạm như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, công tác cán bộ, thực hiện chính sách an sinh xã hội, nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc,... đối với đảng viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc chấp hành các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Nhìn chung trong thời gian qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng để xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; chủ động thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát đã cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở, uốn nắn, phòng ngừa, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và các sai phạm khác từ sớm, từ xa. Từ đó góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng.
Trong tình hình hiện nay, đối tượng, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng mở rộng, phong phú; nhiều vấn đề mới, phức tạp đã và đang phát sinh được đặt ra từ thực tiễn. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, góp phần tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa hiệu quả hơn nữa; trong thời gian tới cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh cần đẩy mạnh một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra, trước hết là người đứng đầu cấp ủy các cấp về vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động, từ đó chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa.
Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; phải lấy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng thời kỳ làm mục tiêu, phương hướng, nội dung hoạt động cho các cuộc kiểm tra, giám sát, mà đặc biệt là công cuộc PCTN, tiêu cực hiện nay.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên, đối với cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; chủ động, phát hiện và xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời các hành vi vi phạm; không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, sai phạm của cá nhân thành sai phạm của tập thể.
Thứ tư, quan tâm, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp; xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, phương pháp công tác khoa học; công tâm, khách quan, thận trọng và ứng xử có văn hóa trong xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ năm, tập trung kiểm tra, giám sát, những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, công tác cán bộ, thực hiện chính sách an sinh xã hội... Tích cực phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” để “không dám” tham nhũng.
Thứ sáu, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát; hướng tới xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực và một cơ chế đảm bảo để “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Phát huy sức mạnh của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bùi Khắc Hằng
(Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)