(Thanhhoa.dcs.vn): Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (khai mạc vào ngày 22/5/2023), Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan có liên quan tổ chức 09 cuộc tiếp xúc cử tri tại các huyện: Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Mường Lát, thị xã Nghi Sơn và thành phố Sầm Sơn; tổng hợp được 17 nhóm kiến nghị của cử tri với Chính phủ trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

  (1). Theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án; tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khi lập dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia phải báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thỏa thuận trước khi trình thẩm định và phê duyệt. Do vậy, trong quá trình thẩm định dự án, có một số nội dung không được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất như Nghị quyết chủ trương Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt, làm khó khăn và kéo dài quá trình thẩm định và phê duyệt. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và tình hình thực tế.

 (2). Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch; quy định cụ thể việc nhận tài trợ quy hoạch bằng sản phẩm; quy trình trình, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, hồ sơ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trách nhiệm của Nhà tài trợ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, hình thức lựa chọn tổ chức tư vấn tham gia lập quy hoạch.

  Xem xét, quy định rõ danh mục các loại dự án cần phải thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (như các yếu tố về tính chất, quy mô của dự án; khả năng ảnh hưởng đến môi trường của dự án…) để phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện

  (3). Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 theo hướng ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết 1/500 điểm dân cư nông thôn nhỏ, lẻ.

 (4). Đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kịch bản, rà soát số liệu, dự báo chính xác tình hình để có chính sách điều hành giá phù hợp, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục… bình ổn giá cho một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi… đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của đông đảo các tầng lớp Nhân dân; có chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ, khai thác ngư trường mới; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giá các loại vật liệu (cát, đá xây dựng, đất san lấp...) tăng cao và khan hiếm vật liệu làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng ở các địa phương.

 (5). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các quy định về chính sách tín dụng, cho vay; lắng nghe ý kiến phản ánh và trả lời, giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân; có chính sách giảm lãi suất, giảm tiền thuê đất, thuế suất để doanh nghiệp có cơ hội đầu tư; sớm ban hành quy định về xây dựng, phát triển và sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân để tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp.

 (6). Đề nghị tiếp tục có các giải pháp cấp bách trong việc để cải thiện thị trường lao động, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong bối cảnh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến.

  (7). Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung và nâng mức bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa tại Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu bổ sung lực lượng cán bộ chuyên trách thực hiện việc theo dõi công tác thi hành án hành chính tại các cơ quan thi hành án dân sự.

  (8). Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo các ngành liên quan cần linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật về phòng cháy chữa cháy, không vội vàng, cứng nhắc, nên có thời gian, lộ trình để doanh nghiệp khắc phục, cân nhắc xem xét đối với các công trình, nhà máy được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trước khi có quy định mới thì được tiếp tục được hoạt động; đối với các công trình được khởi công, xây dựng từ sau khi có quy định mới thì phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy.

  (9). Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ bao gồm một số điều, khoản còn vướng mắc trong thực tiễn như: Quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với công trình cầu cạn thuộc phạm vi ngoài đô thị (Điều 16); cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để giải phóng mặt bằng hạng mục đường gom; cho phép đấu nối tạm thời vào Quốc lộ hoặc đấu nối tạm thời vào đường nhánh gần nhất (hiện có) cho đến khi có điều kiện xây dựng được đường gom theo quy định hiện hành (Điều 26); xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với khu vực đã được quy hoạch đô thị (Điều 15) không trùng khớp với phạm vi hành lang được xác định theo mốc lộ giới được xác định theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt của các địa phương theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới (Điều 44).

(10). Hiện nay có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, mức thu phí cao so với quy định của các các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này

(11). Đề nghị nghiên cứu xem xét lại quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ đối với hàng hóa dùng để sản xuất sản phẩm phẩm xuất khẩu, không khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất sản phảm xuất khẩu, gây bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu nhất là các ngành dệt may, da giày.

(12). Đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung chế độ ưu đãi ngành đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ; mức lương bình quân đang hưởng hiện nay quá thấp; không phù hợp và đáp ứng với công việc nặng nhọc; không thu hút được cán bộ tâm huyết với nghề.

(13). Đề nghị Chính phủ quy định trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp trong việc phối hợp thực hiện quy định của Luật Tố tụng Hành chính sửa đổi năm 2015, về việc nộp văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ và cử người tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án, để khắc phục tình trạng án hành chính, dân sự tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

(14). Đề nghị Chính phủ đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa, nâng cấp Trại tạm giam, Nhà tạm giữ... để đảm bảo công tác quản lý, giam giữ, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở giam giữ. Đề nghị sớm ban hành các Nghị quyết, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Bộ luật hình sự thay thế các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực.

 (15). Cử tri các huyện Thường Xuân, Quảng Xương và thành phố Sầm Sơn đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung đối tượng hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ đối với đội ngũ cán bộ dân số, truyền thông, lái xe, hành chính, kế toán, Ban Giám đốc và các cán bộ có chức danh nghề nghiệp khác đã tham gia chống dịch tại Trung tâm Y tế, Bệnh viện tuyến huyện trong năm 2021, 2022 để đảm bảo quyền lợi, động viên cán bộ làm việc gián tiếp và tạo sự công bằng giữa các lực lượng cùng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

(16). Cử tri huyện Mường Lát đề nghị xem xét, điều chỉnh Tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều áp dụng cho khu vực Trung du miền núi phía Bắc được giữ nguyên theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Mường Lát được hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; do vậy, theo quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Chính phủ về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, phân bổ nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mường Lát.

  (17). Đề nghị có cơ chế, chính sách trong đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số.

(Phạm Minh Đức - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)