(Thanhhoa.dcs.vn): UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 07/6/2023 về tổ chức Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2023.
Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2023 được tổ chức nhằm mục đích phát triển giao thương giữa các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, tạo cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết. Quảng bá tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương và các định hướng phát triển, các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới. Góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các huyện miền núi, biên giới của tỉnh; phục vụ tốt nhu cầu tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí của Nhân dân.
Thời gian tổ chức dự kiến 05 ngày trong tháng 7/2023 tại Sân vận động huyện Thạch Thành. Quy mô hội chợ khoảng 230 gian hàng; trong đó 80 gian hàng được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí, bao gồm: 24 gian của các huyện: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy (mỗi huyện 02 gian); 04 gian của huyện Thạch Thành; 30 gian hàng làng nghề thủ công truyền thống; 10 gian hàng của các Hiệp hội; 08 gian hàng của các doanh nghiệp nước bạn Lào; 08 gian hàng của Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La (mỗi tỉnh 02 gian); có 150 gian hàng nguồn xã hội hóa tại Khu Thương mại, dịch vụ tổng hợp của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại trên địa bàn tỉnh và từ các địa phương trong cả nước. Các mặt hàng tham gia trưng bày gồm: nông sản, lâm sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các huyện miền núi và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; thực phẩm chế biến, thủy hải sản, đồ uống, gia vị; hàng dệt may, giầy da, mỹ phẩm, phụ kiện thời trang; sản thủ công truyền thống; máy móc thiết bị, tư liệu sản xuất, phương tiện chế biến nông, lâm, thủy sản, bảo quản sau thu hoạch; giống cây trồng, vật nuôi; phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng; vật liệu xây dựng, đồ trang trí nội, ngoại thất; đồ gia dụng, đồ điện, thiết bị điện....
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng, làng nghề trong và ngoài tỉnh và khoảng 150 đại biểu khách mời là đại điện lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 11 huyện miền núi; lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch 04 tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La và đại diện đoàn doanh nghiệp nước bạn Lào.
Nội dung các hoạt động gồm: (1) Chương trình giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, công nghệ mới; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; bán buôn, bán lẻ, ký kết hợp đồng hợp tác, chuyển giao công nghệ, thiết lập kênh phân phối, đại lý của các doanh nghiệp; (2) Hoạt động thăm quan, mua sắm của Nhân dân; (3) Tổ chức biểu diễn văn nghệ vào các buổi tối (từ 20 giờ đến 22 giờ) trong các ngày diễn ra Hội chợ, do đoàn nghệ thuật của 11 huyện miền núi và các nghệ sỹ, ca sỹ chuyên nghiệp trong nước biểu diễn; (4) Kiểm tra, giám sát hàng hóa bày bán tại Hội chợ, đảm bảo không có hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ.
UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu, chỉ đạo chung về công tác tổ chức các hoạt động tại Hội chợ; bố trí, sắp xếp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ Hội chợ.