(Thanhhoa.dcs.vn): Từ năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đạt kết quả tích cực.

Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực. Thông qua các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật công tác tư pháp; các hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã tổ chức 09 hội nghị lồng ghép tuyên truyền tiện ích của việc cài đặt và sử dụng tài khoản định danh điện tử và các nội dung của Đề án 06 cho hơn 1.500 lượt lãnh đạo, công chức tư pháp thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch UBND cấp xã. Phát hành 20.000 tờ gấp pháp luật tuyên truyền về thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đăng tải 22 tin bài tuyên truyền về Đề án 06 và chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử của ngành; mở chuyên mục về chuyển đổi số và liên kết đến trang chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hoá.

Phối hợp với Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh khai thác dữ liệu dân cư phục vụ công tác tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan, như thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, luật sư, công chứng...; xây dựng, hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến (tái cấu trúc) mức độ 3 để các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định. Tập trung thực hiện hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tiếp nhận và giải quyết từ năm 2022 đến nay là 69.938 hồ sơ (trong đó, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến luôn đạt trên 85%); các thủ tục hành chính khác: Luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại... đã tiếp nhận, giải quyết 271 hồ sơ; 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn.

Chú trọng thực hiện số hoá dữ liệu hộ tịch và việc đối soát, làm sạch dữ liệu dân cư. Hiện nay, dữ liệu hộ tịch chủ yếu do cấp xã tạo lập, trong khi đó nguồn nhân lực, cơ vật chất ở cấp xã còn nhiều khó khăn, vì vậy đến nay, các địa phương mới chỉ hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch 12.467 trường hợp; cập nhật vào phần mềm hộ tịch 985.672 trường hợp. Tăng cường đối soát, làm sạch dữ liệu dân cư, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đối chiếu dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; phối hợp với cơ quan công an cấp xã thực hiện việc kiểm tra, xác minh, xử lý đối với những trường hợp dữ liệu hộ tịch có sai khác trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch (đặc biệt là đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử) được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định...

(Nguyễn Ngọc Hưng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)