(Thanhhoa.dcs.vn): Sở Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông báo số 97/TB-SKHCN ngày 07/7/2023 gửi các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Viện nghiên cứu; Trường Đại học, Cao đẳng; các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024, cụ thể như sau:

* Về yêu cầu về đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ:

Việc lựa chọn, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 205/2015/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Yêu cầu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có tính cấp thiết, tính mới, tính tiến tiến và tính khả thi triển khai ứng dụng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các nhiệm vụ gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; có địa chỉ ứng dụng cụ thể và cam kết sử dụng kết quả tạo ra khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoàn thành.

* Về định hướng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024:

- Lĩnh vực Nông, lâm, thủy sản: (i) Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, chế biến phục vụ phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. (ii) Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ cao, công nghệ thông minh đối với các lĩnh vực chăm sóc, theo dõi các chỉ tiêu an toàn, truy suất nguồn gốc, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến tạo nên các mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng. (iii) Nghiên cứu xây dựng các chuỗi sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao. (iv) Nghiên cứu, chọn tạo các giống mới năng suất, chất lượng hiệu quả cao phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: (i) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị. (ii) Ứng dụng công nghệ số, các mô hình chuyển đổi số để số hóa hệ thống thông tin doanh nghiệp, quản lý phát triển sản phẩm. (iii) Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng các loại vật liệu xây dựng mới có độ bền cao, giá thành hạ, thân thiện với môi trường. (iv) Nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm điện để ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, các công trình công cộng. (v) Nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

- Lĩnh vực thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch: (i) Nghiên cứu ứng dụng khoa học, thành tựu công nghệ để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. (ii) Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch đã có. (iii) Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành dịch vụ du lịch, phát triển du lịch thông minh. (iv) Nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số. (v) Nghiên cứu xây dựng văn hoá đổi mới sáng tạo, văn hoá số, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn tộc gắn với vùng cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. (vi) Nghiên cứu các giải pháp mới trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực thể thao thành tích cao.

- Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: (i) Nghiên cứu các giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao trong các viện nghiên cứu; trường đại học; trường cao đẳng nghề; trường học phổ thông. (ii) Nghiên cứu giải pháp đổi mới việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh hiện nay. (iii) Nghiên cứu sản xuất thiết bị, đồ dùng dạy học mới đáp ứng yêu cầu dạy học lý thuyết, thực hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học. (iv) Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo để xây dựng trường học và lớp học thông minh. (v) Xây dựng các mô hình quản lý dạy học, thi kiểm tra đánh giá, tuyển sinh trực tuyến đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. (vi) Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành Giáo dục và đào tạo. (vii) Nghiên cứu xây dựng các phần mềm hỗ trợ trong việc quản trị, quản lý ngành giáo dục (quản lý dữ liệu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; hỗ trợ trong việc quản lý thi, kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; quản lý dữ liệu học sinh; quản lý cơ sở vật chất;…).

- Lĩnh vực y tế: (i) Phát triển thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu có thế mạnh: Tim mạch, nội soi, chỉnh hình, ghép tạng, phẫu thuật bằng robot, sàng lọc chẩn đoán phát hiện sớm ung thư. (ii) Ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám và chữa bệnh (Y học chính xác, Y học tái tạo, Phẫu thuật Robot, AI...). (iii) Ứng dụng các kỹ thuật về chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán và điều trị, công nghệ phân tử, công nghệ nano, khám chữa bệnh từ xa… (iv) Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cấp cứu trước viện và tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. (v) Ứng dụng công nghệ thông tin: xây dựng hệ thống thông tin xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sức khỏe toàn dân, bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa…. (vi) Nghiên cứu đánh giá thực trạng một số bệnh nghề nghiệp phổ biến và xây dựng mô hình kiểm soát bệnh nghề nghiệp thí điểm ở một số ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. (vii)  Nghiên cứu sản xuất sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tăng cường phối hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong khám chữa bệnh.

- Lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu: (i) Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ mới trong xử lý ô nhiễm môi trường; xử lý phụ phẩm nông nghiệp, xử lý nước thải trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, nước thải đô thị, rác thải sinh hoạt. (ii)  Nghiên cứu hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh. (iii) Nghiên cứu các giải pháp giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các khu, cụm công nghiệp, tụ điểm khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, lưu vực sông, các đô thị và khu vực nông thôn. (iv) Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở bờ sông, bờ biển,…thích ứng biến đổi khí hậu. (v) Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, vật liệu mới, thiết bị, xây dựng và quản lý an toàn hồ chứa, đập, đê sông,đê biển và công trình phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông thôn. (vii) Đề xuất giải pháp sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho đồ dùng một lần bằng nhựa để giảm thiểu rác thải nhựa và giải pháp xử lý đối với các loại rác thải nhựa không thể tái chế. (viii) Nghiên cứu giải pháp thu gom và xử lý sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông hư hỏng, hết hạn sử dụng, rác thải công nghệ, rác thải điện tử.

- Hoạt động quản lý điều hành chỉ đạo của chính quyền các cấp: (i) Nghiên cứu giải pháp xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý; xây dựng Đảng về đạo đức. (ii) Nghiên cứu các vấn đề về đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn; liên kết xây dựng chuỗi giá trị. (iii) Nghiên cứu nâng cao năng lực thực thi thủ tục hành chính của cán bộ, công chức cấp xã tỉnh thanh Hóa. Nghiên cứu xây dựng chính quyền các cấp kiến tạo, phục vụ; giải pháp nâng cao chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chỉ số PAPI (quản trị và hành chính công) của chính quyền cấp huyện, cấp xã; chỉ số DCCI (chỉ số về năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện). (iv) Nghiên cứu chất lượng, hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; công tác cải cách hành chính. (v) Nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Đẩy mạnh các hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh: (i) Nghiên cứu về các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. (ii) Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động bảo hộ, sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh. (iii) Xây dựng các mô hình khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

* Về tiếp nhận đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ cấp tỉnh năm 2024: Trên cơ sở định hướng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ cấp tỉnh năm 2024 nêu trên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân xây dựng Phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ cấp tỉnh năm 2024. Trường hợp đề xuất 02 nhiệm vụ trở lên thì kèm thêm Danh mục tổng hợp đề xuất đặt hàng (xếp theo thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết và tính khả thi của nhiệm vụ); gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa trước ngày 15/8/2023.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)