(Thanhhoa.dcs.vn): Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đạt được kết quả quan trọng. Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh; được đại đa số nhân dân tích cực tham gia, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được xác lập,... góp phần quyết định trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng như hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực, nguồn vốn được thực hiện đảm bảo

đúng theo các quy định của Chương trình. Chú trọng tăng cường phân cấp trong
việc thực hiện huy động nguồn lực và triển khai thực hiện đảm bảo được sự chủ
động của địa phương trong việc huy động, sử dụng nguồn lực và quản lý các
mục tiêu, nhiệm vụ. Các địa phương, đơn vị được phân bổ và giao dự toán kinh phí
thực hiện Chương trình căn cứ vào các quy định trên, chịu trách nhiệm quản lý,
sử dụng và quyết toán theo đúng quy định của pháp luật. Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18.795.103 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước trực tiếp cho Chương trình là 9.967.614 triệu đồng, chiếm 53,03% (ngân sách trung ương 1.432.696 triệu đồng; ngân sách tỉnh 437.505 triệu đồng; ngân sách huyện 3.114.387 triệu đồng; ngân sách xã 4.983.026 triệu đồng); vốn lồng ghép 2.692.414 triệu đồng, chiếm 14,32%; vốn tín dụng 2.553.557 triệu đồng, chiếm 13,58%; vốn doanh nghiệp, HTX 676.495 triệu đồng, chiếm 3,59%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư (bao gồm tiền mặt và giá trị ngày công lao động, vật tư, vật liệu, hiến đất, không bao gồm kinh phí người dân tự chỉnh trang nhà ở dân cư) 2.905.023 triệu đồng, chiếm 15,46%.

Kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM trong 02 năm (2021-2022) và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có thêm 04 đơn vị cấp huyện, 42 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 xã và 284 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 282 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 359 xã và 700 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 346 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 350 sản phẩm OCOP được công nhận; bình quân toàn tỉnh đạt 17,75 tiêu chí/xã. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn NTM (đạt 78,06%); trong đó, có 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 22,04% số xã), 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 4,68%); có 407 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao.

*Kết quả thực hiện một số nội dung thành phần của Chương trình:

(i) Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch: Đối với quy hoạch cấp huyện, đến hết năm 2022, đưa tỷ lệ phủ kín Quy hoạch xây dựng vùng huyện trong tỉnh đạt 100% (23 huyện có Quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt). Tất cả các quy hoạch vùng huyện được duyệt đều gắn với định hướng phát triển KT-XH của huyện; các tiểu vùng trong quy hoạch đáp ứng cho việc phát triển kinh tế chủ đạo của tất cả các hình thái kinh tế, như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất hàng hóa; thương mại - dịch vụ; hình thành các điểm dân cư tập trung gắn với sản xuất CN-TTCN và các điểm dịch vụ thương mại, dịch vụ nông, lâm nghiệp nông thôn; phát triển du lịch... Đối với quy hoạch chung xã, toàn tỉnh có 343 xã phải lập quy hoạch chung xây dựng xã (còn 126 xã được định hướng phát triển đô thị, gồm: 36 xã đã có quy hoạch chung đô thị đã và đang được phê duyệt; 90 xã nằm trong chương trình phát triển đô thị mới theo 22 Quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt, vì vậy sẽ lập, thực hiện quy hoạch chung đô thị). Đến nay đã có 255/343 xã có quy hoạch chung xây dựng xã được duyệt. Số xã chưa được phê duyệt quy hoạch là 88 xã (61 xã thuộc 11 huyện miền núi; 27 xã miền xuôi); tỷ lệ quy hoạch chung xây dựng xã được duyệt tại các huyện miền núi là 92/153 đạt 60%; tỷ lệ quy hoạch chung xây dựng xã được duyệt tại các huyện miền xuôi là 163/190 đạt 86%.

(ii) Về phát triển hạ tầng KT-XH, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền: Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch và thực trạng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, cấp huyện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, phát triển KT-XH đáp ứng tiêu chí NTM. Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng NTM có kết quả rõ nét hơn so với năm 2021. Cụ thể từ năm 2021 đến nay, cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM; nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM trên 3.598 km đường giao thông nông thôn; 1.042 km kênh mương và rãnh thoát nước; 339 công trình thủy lợi; 3.495 phòng học; 1.682 km đường điện, 418 trạm biến áp; 85 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 1.052 nhà văn hóa thôn; 92 chợ nông thôn; 105 trạm y tế xã; 46 công trình công sở xã; 97 công trình cấp nước sinh hoạt; 65 công trình bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng và chỉnh trang trên 58.800 nhà ở dân cư.

(iii) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững: Mặc dù chịu tác động bất lợi của giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao các năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kết quả khá. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3,65% (năm 2021 đạt 3,58%, vượt 0,58% KH, năm 2022 đạt 3,65%, vượt 0,05% KH, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,87%, gấp 2 lần so với cùng kỳ); diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 15.466 ha, chuyển đổi 5.304 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,6%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97,2% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 61,1%). Đặc biệt, đã thu hút được thêm 02 doanh nghiệp lớn thu mua chế biến lúa gạo, 09 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả nâng tổng số doanh nghiệp thu mua chế biến gạo trên địa bàn toàn tỉnh là 07 doanh nghiệp với tổng công suất 180.000 tấn; 25 doanh nghiệp thu mua chế biến rau quả; lô vải không hạt (Vải ngọc) đầu tiên trồng tại huyện Ngọc Lặc của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung được đẩy mạnh; toàn tỉnh hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Việc củng cố, phát triển HTX được quan tâm; đến nay, toàn tỉnh có 756 HTX đang hoạt động (trong đó, có 523 HTX hoạt động hiệu quả và có tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,2%), 891 trang trại, 1.192 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 59 HTX có sản phẩm OCOP được công nhận.  

Hiện nay, các địa phương đã tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; nhiều doanh nghiệp và HTX đã đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa giống, chế biến nông, lâm sản, cơ giới hóa đồng bộ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh, năm 2022, đã tạo việc làm mới cho 58.950 lao động; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 10.920 lao động, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề được cho 70.100 người.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố bám sát hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 282 sản phẩm OCOP được công nhận (thực phẩm 222; đồ uống 14; thủ công mỹ nghệ 38; thảo dược 09), cho 223 chủ thể OCOP (49 doanh nghiệp, 74 HTX, 07 tổ hợp tác, 93 hộ sản xuất, kinh doanh), trên địa bàn 193 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%). 

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được tăng cường thực hiện: Tư vấn, hỗ trợ phát triển 16 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; tổ chức các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, có một số sản phẩm đã phát triển trên thị trường trong và ngoài nước; thành lập HTX OCOP Thanh Hóa (là một trong số ít địa phương trong cả nước đã thành lập được mô hình hoạt động này).

Nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh; đến nay, toàn tỉnh đã có 143 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tiếp tục cập nhật, giới thiệu sản phẩm mũi nhọn được các huyện đề xuất để thực hiện truyền thông, quảng bá trên chuyên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa “Đồng hành cùng người Việt nâng tầm nông sản Việt” tại địa chỉ: http://chuyendoiso.thanhhoa.gov.vn/nongsan/Default.aspx.

(iv) Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: Các sở, ngành cấp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo địa bàn được phân công; các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, chú trọng triển khai các nội dung/dự án thành phần thuộc 02 Chương trình MTQG (Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) để hỗ trợ các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 còn 6,08% (44.222 hộ), giảm 2,14% so với năm 2021; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,18% (59.487 hộ), giảm 2,39% so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020.

(v) Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn: Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 445/469 xã có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao (gồm Hội trường đa năng và Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã), đạt tỷ lệ 94,8% (trong đó có 358 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, thể thao); 365/469 xã đạt tiêu chí về văn hóa, đạt tỷ lệ 77,8%; 3.715/3.835 thôn, bản có Nhà Văn hoá - Khu Thể thao thôn, bản, đạt tỷ lệ 96,8%. Công tác giáo dục được các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, chú trọng; trong 02 năm, có thêm 323 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (công nhận mới và công nhận lại); trong đó, 155 trường Mầm non; 127 trường Tiểu học; 72 trường THCS và TH&THCS; 10 trường THPT. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 1.684/1.986 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp, đạt 84,79%, cụ thể: Mầm non 572/678 trường, đạt 84,36%; Tiểu học 544/597 trường, đạt 91,12%; Trung học cơ sở, Tiểu học và Trung học cơ sở 518/612 trường, đạt 84,64%; Trung học phổ thông 53/99 trường, đạt 53,53%. Có 24 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 01 Trung tâm GDTX cấp tỉnh, trong đó, có 01/25 đơn vị (Trung tâm GDNN-GDTX Hậu Lộc) được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, đạt tỷ lệ 4%. Tỷ lệ số xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, tỷ lệ xóa mù chữ đạt mức độ 2, số xã được đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã” từ loại Khá trở lên đều đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt 98,26%. Công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tiếp tục được quan tâm; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến y tế cơ sở được tăng cường, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản dễ dàng hơn, có chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí; đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. Tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 86,23% dân số (chưa tính các nhóm tham gia BHYT ở ngoài tỉnh, ngoài nước và trong lực lượng vũ trang).

(vi) Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn: Công tác bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp tiếp tục được các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện. Kết quả, các địa phương đã trồng được trên 1.350 km đường hoa, 1.193 km đường cây xanh, 3.609 km đường điện sáng, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì và ngày càng phát huy nhân rộng. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh duy trì kết quả khả quan (nhất là việc thu gom rác thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao gói thuốc BVTV đã được nhiều địa phương quan tâm, triển khai thực hiện theo đúng quy định). Đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt 89,02%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại, được thu gom xử lý đạt 100%. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 88,96% (tăng 11,2% so với năm 2021). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đảm bảo VSATTP tiếp tục được tăng cường;  đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP tại 252 cơ sở, xử lý vi phạm 12 cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 351 chợ được công nhận ATTP/389 chợ đang hoạt động trong tổng số 486 chợ theo quy hoạch của tỉnh; 495 xã, thị trấn được công nhận ATTP.

(vii) Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội: Các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy mới ban hành, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh. Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và đã có sự chuyển biến đáng kể, chất lượng đã được nâng lên. Toàn tỉnh có 829 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2022-2025. MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tuyên truyền. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; hoạt động của Ban chỉ huy Quân sự xã và công tác quốc phòng toàn dân được quan tâm; hoạt động của Công an xã được tăng cường và đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững ổn định. Toàn tỉnh có 376 xã, thị trấn được đưa ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (hiện còn 27 xã, thị trấn thuộc diện trọng điểm, phức tạp).

Bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế; đó là: Trong 113 xã chưa đạt chuẩn NTM, có 102 xã thuộc các huyện miền núi; theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, có 62 xã thuộc các huyện miền núi (26 xã thuộc các huyện nghèo) phấn đấu đạt chuẩn; đây là các xã có nguồn thu ngân sách trên địa bàn rất hạn hẹp, vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, kinh tế khó khăn, cần nguồn vốn lớn để xây dựng và phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Nguồn thu ngân sách của nhiều địa phương năm 2022 khó khăn hơn (không đạt như dự kiến), ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng,  phát triển KT-XH năm 2022 và cả năm 2023. Công tác quy hoạch chung xây dựng xã vẫn còn chậm, còn 25,7% số xã chưa được phê duyệt (88 xã), ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung phát triển KT-XH, nhất là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch. Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn mới chỉ dừng lại việc xây dựng mô hình, chưa đồng bộ, rộng khắp ở các địa phương. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ; việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ, đặc biệt là việc tận dụng rác thải hữu cơ làm phân bón kết quả còn thấp, chưa đồng bộ, sâu rộng ở các địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn. Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở một số địa phương còn hạn chế, sản phẩm OCOP trong tỉnh đã được công nhận nhiều, nhưng việc xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, nên sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa được nâng lên...

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, xây dựng NTM phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị. Bám sát định hướng xây dựng NTM của Trung ương; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của địa phương, cơ sở, triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương.

Hai là, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Người dân là chủ thể, người trực tiếp thực hiện, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và hưởng lợi. Vì vậy, quá trình thực hiện phải lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư, tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức vật chất và tinh thần của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công sức, tiền của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Ba là, xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Bốn là, phải kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách cho phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân. Thực hiện phân cấp cho cơ sở trong thực hiện, nhất là cộng đồng dân cư và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng, tập trung cho các công trình do thôn và cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức thực hiện, tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có phù hợp tiêu chí NTM. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Năm là, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện; tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích hoặc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.

(Lê Nguyễn Trọng Xuân - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)