(Thanhhoa.dcs.vn): Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Hằng năm, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đều ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số; có 03/27 cấp ủy cấp huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện chuyển đổi số (Nghi Sơn, Thọ Xuân và Như Thanh). Có 20/20 sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương thành lập Tổ giúp việc chuyển đổi số và 27/27 UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; toàn tỉnh thành lập 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng với 14.478 thành viên.

Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức tập huấn cho 100% thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp; bồi dưỡng kỹ năng số cho gần 4.700 thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng và 2.510 học viên là cán bộ công chức cấp xã; tập huấn, tư vấn các mô hình chuyển đổi số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh cho trên 2.000 lượt doanh nghiệp trên địa bàn. Hạ tầng số được quan tâm đầu tư, nâng cấp, chất lượng ngày càng được nâng cao; đến nay, mạng di động băng rộng 3G, 4G đã phủ sóng tới 4.354/4.357 trung tâm các thôn, bản (đạt 99,9%) và 99,7% dân cư; toàn tỉnh có trên 2,38 triệu thuê bao Internet băng rộng, đạt mật độ 64,9 thuê bao/100 dân; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện kết nối đường truyền Internet tốc độ cao và sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc.

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được đẩy mạnh. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện xử lý công việc trên môi trường điện tử; triển khai chữ ký số tới 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị sự nghiệp. Sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, tạo môi trường làm việc hiện đại, công khai, tiết kiệm; từ năm 2021 đến nay, có trên 11,07 triệu lượt văn bản điện tử trao đổi, xử lý trên hệ thống, tỷ lệ ký số cá nhân đạt trên 98%, ký số cơ quan đạt 96,6%. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan đảng, đoàn thể được quan tâm, kết nối liên thông với chính quyền, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối các điểm cầu của tỉnh đến 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, 48 trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước và 559 trang thông tin điện tử của UBND cấp xã hoạt động ổn định, cung cấp toàn diện thông tin kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách mới và hỗ trợ các dịch công cho người dân.

Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được quan tâm. Đến nay, Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến một phần (giảm 395 dịch vụ so với năm 2020) và 727 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (tăng 550 dịch vụ so với năm 2020). Tính riêng từ năm 2022 đến ngày 10/8/2023, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận gần 1,52 triệu hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 98%, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đến nay 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai việc sử dụng và thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế; hỗ trợ trên 870.650 tài khoản thanh toán các dịch vụ thiết yếu không dùng tiền mặt. 100% các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đến tháng 7/2023, có 143 sản phẩm OCOP, gần 11.300 sản phẩm đặc trưng các địa phương được đưa lên các sàn thương mại điện tử và 775 sản phẩm đưa lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; cung cấp gần 105.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của các địa phương.

Xã hội số có chuyển biến tích cực; 100% nhà văn hoá, thôn khu phố, các điểm du lịch được lắp đặt Wifi miễn phí, cung cấp khả năng truy cập Internet cho người dân ở các khu dân cư. Các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả hình thức dạy học trực tuyến, đẩy mạnh sử dụng các bài giảng điện tử; 100% học sinh lớp 12 sử dụng tài khoản đăng ký thi trên hệ thống thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có trên 330.000 hồ sơ người có công được số hóa thông tin (đạt 100%); thông tin của gần 70.000 người cao tuổi, trên 60.000 người có công, trên 48.000 hộ nghèo và trên 68.000 hộ cận nghèo được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ tra cứu thông tin, giải quyết các chế độ, chính sách. 100% bệnh viện tuyến huyện kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương; đẩy mạnh thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh tại 671/673 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục duy trì trong nhóm cao về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (xếp thứ 15/63), trong đó, một số chỉ tiêu thành phần có tăng mạnh, như: Nhận thức số (xếp thứ 1), Hoạt động xã hội số (xếp thứ 3), An toàn thông tin mạng (xếp thứ 6). Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí chuyển đổi số cấp xã (tháng 5/2023); đến nay, có 94 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số, dự kiến hoàn thành các tiêu chí trong năm 2023.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số chỉ số thành phần xếp hạng chuyển đổi số của Tỉnh còn thấp (như: Nhân lực số xếp thứ 16, Hoạt động chính quyền số xếp thứ 20, Hoạt động kinh tế số xếp thứ 21, Hạ tầng số xếp thứ 52). Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận Nhân dân về vị trí, vai trò và trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số còn hạn chế, một số đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc liên thông dữ liệu với các bộ, ngành Trung ương còn bất cập, chưa tích hợp được thông tin các loại giấy tờ cá nhân trong cơ sở dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ thuê bao băng rộng còn thấp; nhân lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các huyện còn thiếu và yếu; kỹ năng ứng dụng công nghệ số của người dân chưa cao; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn chậm, thiếu đồng bộ...

(Phòng Tổng hợp - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)