(Thanhhoa.dcs.vn): Đến nay toàn tỉnh đã thành lập 343 tổ đoàn kết, với 1.113 tàu cá và 7.623 lao động tham gia trực tiếp trên các vùng biển; trong đó: hoạt động tại vùng khơi có 84 tổ/324 tàu/2.365 lao động (gồm: nghề lưới kéo 31 tổ/98 tàu; nghề chụp 15 tổ/54 tàu; nghề câu 16 tổ/54 tàu; nghề rê 18 tổ/75 tàu; nghề vây 04 tổ/43 tàu), thời gian chuyến biển trung bình 22 ngày/chuyến (mỗi tháng 01 chuyến, riêng nghề lưới rê khơi từ 2-3 chuyến/tháng). Hoạt động tại vùng lộng có 26 tổ/88 tàu/446 lao động (gồm: nghề kéo 20 tổ/63 tàu; nghề câu 02 tổ/06 tàu; nghề chụp 01 tổ/05 tàu; nghề khác 03 tổ/14 tàu), thời gian chuyến biển trung bình từ 02-05 ngày/chuyến, hoạt động bình quân 24 ngày/tháng (khoảng 10-12 chuyến/tháng). Còn lại 233 tổ/701 tàu/4.812 lao động cơ bản không còn hoạt động hoặc đã giải thể, không đảm bảo quy mô tổ, vùng khai thác, không cùng nghề khai thác. 100% các tổ đoàn kết đều do UBND cấp xã quyết định thành lập; có quy chế, quy ước hoạt động và không có sự ràng buộc lợi ích lẫn nhau (không có hợp đồng hợp tác, liên kết); tuy nhiên, hầu hết các tổ chưa xây dựng được quy chế thu, chi quỹ hoạt động nên gặp một số khó khăn trong sinh hoạt và tổ chức các hoạt động thường xuyên của tổ.
Các chính sách hỗ trợ củng cố, phát triển tổ đoàn kết trên biển được quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn 2013-2023, có 06 chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ cho các tổ đoàn kết trên biển với tổng kinh phí 798 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn vốn của các ngân hàng thương mại) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ củng cố, phát triển tổ đoàn kết trên biển; đã hỗ trợ các chủ tàu cá vay vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại để đóng mới 58 tàu; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho 379 chuyến biển; hỗ trợ 1.921 lượt tàu cá mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ và 14.853 thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ 39 chủ tàu cá nâng cấp, làm mới hầm bảo quản hải sản; lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa HF cho 320 chủ tàu là tổ trưởng tổ đoàn kết; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 876 chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và hỗ trợ phí thuê bao cho 231 chủ tàu cá; hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho ngư dân 93 chuyến biển... Qua đó, đã giúp các tổ đoàn kết duy trì liên lạc thường xuyên với nhau, kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến rủi ro, tai nạn trên biển, các vấn đề về an ninh quốc gia trên các vùng biển; đồng thời, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15% và nâng giá trị sản phẩm từ 20 - 30%, gián tiếp giúp ngư dân yên tâm khai thác trên biển dài ngày, tăng cường sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các tổ đoàn kết trên biển là nòng cốt tham gia lực lượng dân quân tự vệ biển, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ an ninh trật tự trên biển và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 06 trung đội dân quân biển cấp huyện (mỗi huyện, thị xã, thành phố ven biển có 01 trung đội) và 39 tiểu đội cấp xã, với tổng số 576 người (mỗi trung đội có 31 người, mỗi tiểu đội có 10 người); có 1.113 tàu/7.623 lao động tham gia tổ đoàn kết đăng ký sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc. Các chủ tàu đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện hiệp đồng bố trí 51 tàu dân quân biển (thành phố Sầm Sơn 04 tàu, thị xã Nghi Sơn 18 tàu, huyện Quảng Xương 04 tàu, huyện Hoằng Hóa 13 tàu, huyện Hậu Lộc 12 tàu). Từ năm 2011 đến nay, đã có 2.343 lượt dân quân biển tham gia đóng góp 15.903 ngày công tuần tra bảo vệ biển, ngăn chặn và xử lý các hoạt động vi phạm về khai thác thủy sản và an ninh trên biển; các chủ tàu cá tham gia các tổ đoàn kết đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng tỉnh 864 tin/869 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền khai thác hải sản của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tổ đội sản xuất trên biển của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, phát triển các tổ đoàn kết của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ sở thiếu quyết liệt, không liên tục, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ đoàn kết trên biển và vận động các chủ tàu cá, ngư dân tham gia tổ đoàn kết còn hạn chế; việc củng cố, phát triển tổ đoàn kết còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, chưa bám sát với các thay đổi của pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU, cũng như nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhận thức, ý thức chấp hành nội quy, quy ước hoạt động của nhiều thành viên tổ đoàn kết chưa cao; nhiều chủ tàu thiếu niềm tin vào hiệu quả, lợi ích hoạt động của Tổ đoàn kết, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, tham gia chưa tích cực vào các hoạt động của tổ. Điều kiện kết cấu hạ tầng nghề cá chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được sự phát triển của đội tàu cá lớn. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nói chung, hỗ trợ tổ đoàn kết nói riêng chưa đủ mạnh để thu hút chủ tàu, doanh nghiệp tăng cường đầu tư, phát triển đội tàu, nâng cấp nghề khai thác, hiện đại hóa sản xuất trên biển, bảo quản sau thu hoạch; chưa có nhiều khuyến khích, hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển...