(Thanhhoa.dcs.vn): Thực hiện Quyết định số 3475/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”, UBND huyện Nga Sơn đã ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 14/8/2023 về việc nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, UBND huyện Nga Sơn đề ra mục tiêu chung: Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả môn ngoại ngữ, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm 10 huyện, thị xã, thành phố dẫn đầu cả tỉnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đối với giáo dục phổ thông: Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng dạy học ngoại ngữ đạt mức khá so với mặt bằng chung của tỉnh; đội tuyển HS giỏi môn Tiếng Anh cấp THCS xếp tốp 10 của tỉnh. Đối với đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp: phấn đấu đến năm 2025, 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo KNLNN 6 bậc, 100% giáo viên được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy (theo Đề án của tỉnh). Cụ thể: Giáo viên tiếng Anh Tiểu học, THCS đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 (B2); Giáo viên tiếng Anh THPT đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 (C1). Đối với học sinh các cấp: 100 % học sinh đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ GDĐT; trong đó học sinh lớp 5 cấp Tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1); học sinh lớp 9 cấp THCS đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2); hyọc sinh lớp 12 cấp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1).

Đối với giáo dục thường xuyên: Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025, 100% đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 (B2) trở lên, 100% học viên, sinh viên đạt chuẩn đầu ra theo quy định (trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 2 (A2) trở lên).

Đối với giáo dục Mầm non và học sinh lớp 1, lớp 2 tiểu học: Tổ chức thí điểm chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở 25% trường mầm non (công lập); 100% học sinh lớp 1, lớp 2 (tiểu học) được học chương trình tiếng Anh tự chọn.

Đối với việc đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ: Phấn đấu 100% trường phổ thông được trang bị phòng dạy học ngoại ngữ, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ và học liệu ngoại ngữ tối thiểu theo quy định của Bộ GDĐT, 25% số trường MN có trang thiết bị cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Nga Sơn yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với việc học ngoại ngữ, tạo phong trào học tập ngoại ngữ rộng khắp trên địa bàn huyện; (2) Xây dựng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế xã hội; (3) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động học ngoại ngữ trong các đơn vị trường học; (4) Nâng cao công tác quản lý dạy và học ngoại ngữ; (5) Xã hội hóa hoạt động dạy học ngoại ngữ.

Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nga Sơn chủ trì, phối hợp với các Phòng có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi toàn huyện hàng năm và cả giai đoạn, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện. Phối hợp với phòng Nội vụ xây dựng Kế hoạch tuyển dụng mới đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho các cấp học thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các nhà trường; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo quy định.

Phòng Tài chính  Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các Phòng, cơ quan liên quan tham mưu bố trí kinh phí để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng lộ trình của Kế hoạch đã được UBND huyện phê duyệt; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí và thanh toán, quyết toán theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND huyện sắp xếp hợp lý số giáo viên ngoại ngữ trên địa bàn huyện phù hợp năng lực của giáo viên và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh các trường học trong huyện; tổ chức sắp xếp, bố trí công tác khác hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với giáo viên không đạt yêu cầu trình độ năng lực ngoại ngữ theo quy định sau khi đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân và phụ huynh hiểu rõ chủ trương của ngành Giáo dục trong việc dạy ngoại ngữ cho học sinh mầm non, tiểu học. Đảng uỷ, HĐND, UBND các địa phương có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu dạy học nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng….

(Lê Đức Hùng - Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá)