(Thanhhoa.dcs.vn): Ngày 31/07/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung của chiến lược đã đặt ra mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và đề xuất các nhiệm vụ giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra. Quyết định 899/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký.
1. Mục tiêu Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược)” như sau:
Mục tiêu chung: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mục tiêu cụ thể:
* Mục tiêu đến năm 2025:
- Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật và ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, nghệ thuật; khoa học xã hội; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia; thông tin và truyền thông..., góp phần thực hiện các khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, bảo đảm việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.
- Đến hết tháng 6 năm 2024, đạt 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.
- Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.
* Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050:
- Duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.
- Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 05 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
- Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ năm 2031 trở đi luôn được cải thiện, phấn đấu tăng dần so với năm trước; các chỉ số về “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” xếp hạng cao trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
- Tạo đột phá trong thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, kết nối nhân tài. Thiết lập mạng lưới Nhân tài Việt Nam toàn cầu, mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu, trong đó có các nhà khoa học đầu ngành tầm cỡ quốc tế về những ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và ngành kinh tế mũi nhọn; cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng, trong đó có nhiều cán bộ cấp chiến lược; doanh nhân tài năng, trong đó có nhiều doanh nhân tầm cỡ khu vực; chuyên gia đầu ngành, tài năng trẻ và triển vọng tài năng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác.
2. Nhiệm vụ và giải pháp: Hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược đề ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện, cụ thể:
1. Đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.
2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài.
3. Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài.
4. Nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
5. Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.
6. Tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế về nhân tài.
7. Xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại.
8. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài.
9. Khuyến khích tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chính sách nhân tài và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm chính sách nhân tài.
10. Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thu hút và trọng dụng nhân tài
11. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tập hợp, vận động nhân tài ở trong nước và ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phản ánh các đề xuất, kiến nghị của nhân tài, nhất là nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách thu hút, phát huy nguồn lực nhân tài phù hợp với sự phát triển của đất nước.