Hội nghị mở ra cơ hội trao đổi, kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư giữa các bên; đồng thời, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa của các hãng tàu và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong và ngoài nước; từ đó, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa.

Nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ và tỉnh Thanh Hoá; đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) làm thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá qua Cảng biển Nghi Sơn, chiều 7-8, tại khách sạn Central (TP Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hoá đã long trọng tổ chức Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, DN làm thủ tục XNK hàng hoá tại Cảng biển Nghi Sơn.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Hiệu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS &CKCN); Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công Thương; các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá; đại diện hiệp hội DN các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hoá; Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực VI.

Toàn cảnh hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các hội, Hiệp hội DN, ngành hàng đại diện cho hơn 21.000 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là sự có mặt của đại diện 300 DN, nhà đầu tư là các hãng tàu, các DN có hoạt động XNK hàng hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh lân cận.

Quyết tâm mạnh mẽ nhằm khai thác lợi thế cảng nước sâu đặc biệt

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận. Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt (IA), là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế”.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.

Để thúc đẩy sự phát triển của Cảng biển Nghi Sơn, trong thời gian qua, cùng với việc tập trung các nguồn lực đầu tư đồng bộ về hạ tầng cảng biển, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương thức điện tử để rút ngắn thời gian, giảm chi phí hành chính, chi phí lưu kho bãi, giải phóng container để các DN quay vòng vận tải.

Trung ương và tỉnh Thanh Hoá đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút các DN, nhà đầu tư thực hiện thủ tục XNK hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn. Hiện nay, ngoài hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải với tần suất 1 chuyến/tuần sau thời gian gián đoạn; đầu năm 2023, Cảng biển Nghi Sơn cũng đã thu hút thêm được hãng tàu VIMC mở tuyến tàu container; đồng thời, thu hút thành công một số doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đăng ký làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khai thác Cảng biển Nghi Sơn vẫn chưa đạt kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. "Số lượng hãng tàu mới, DN mới thu hút được chưa nhiều, tần suất hoạt động thấp; nhiều DN, đơn vị trong tỉnh, trong khu vực vẫn chưa “mặn mà” thực hiện các dịch vụ vận tải hàng hóa qua Cảng; vì vậy, nguồn thu ngân sách Nhà nước tại Cảng biển Nghi Sơn vẫn phụ thuộc lớn vào hoạt động nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; số thu còn lại chủ yếu từ nguồn nhập khẩu máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm... của một số DN lớn trong KKTNS; số thu từ các hoạt động XNK hàng hóa thường xuyên còn chiếm tỷ lệ nhỏ" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi nêu rõ.

Với quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động XNK qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá tổ chức hội nghị này và các hoạt động khảo sát tại cảng. Đây là hoạt động thiết thực để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu đến các hãng tàu, các nhà đầu tư và doanh nghiệp; đưa các cơ chế, chính sách thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng biển Nghi Sơn đi vào thực tế, có chiều sâu.

Hội nghị cũng sẽ mở ra cơ hội trao đổi, kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư giữa các bên; đồng thời, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa của các hãng tàu và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong và ngoài nước; từ đó, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Tỉnh Thanh Hoá rất mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp, hiến kế của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, DN và các hãng tàu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế để phát huy tối đa dư địa khai thác Cảng biển Nghi Sơn, hướng tới mục tiêu đưa Cảng Nghi Sơn trở thành cảng biển trọng điểm của khu vực và cả nước” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá bày tỏ ý kiến tại hội nghị.

Tiếp đó, đồng chí Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã báo cáo về hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn. Hiện nay, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng và 10 bến container. Tính đến tháng 7-2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tại đây, các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics... cũng đã được quy hoạch chi tiết và đang trong tiến trình đầu tư đồng bộ.

Đồng chí Bùi Tuấn Tự, Phó Trưởng ban Quản lý KKTNS và các KCN báo cáo hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn.

Với tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách thu hút các hãng tàu và DN thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, trong những năm gần đây, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được các hãng tàu và DN thực hiện XNK qua cảng với tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng hơn 41 triệu tấn/năm (năm 2020 là 41,8 triệu tấn; năm 2021 là 43,03 triệu tấn; năm 2022 là 41,31 triệu tấn), chiếm khoảng trên 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh).

Con số thu ngân sách nhờ thuế XNK qua cảng trong những năm gần cũng tăng trưởng vượt trội, khi năm 2017 mới chỉ đạt 1.430 tỷ đồng, năm 2018 đã đạt 6.362 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 10.400 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt tới gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tới 93% tổng thu ngân sách của Hải quan Thanh Hóa và bằng gần 40% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 22,8 triệu tấn.

Các đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng BQL KKTNS & CKCN; Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương chủ trì hội nghị.

Hiện nay, hiện nay có 109 DN đã đăng ký thực hiện thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn. Trong những tháng đầu năm 2023, có 17 DN mới đăng ký làm thủ tục hải quan qua cảng. Ngoài DN có trụ sở tại Thanh Hóa thì có thêm 13 DN ngoài tỉnh như TP HCM, Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Bình Định, Ninh Bình... cũng đã thực hiện chuyển dịch vụ XNK về Cảng Nghi Sơn.

Chính sách hấp dẫn, thủ tục thông thoáng

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương đã thông tin về một số cơ chế chính sách ưu đãi thu hút hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn. Theo đó, Thông tư số 21/2021/TT-BCT ngày 10-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn thì đây là 1 trong 6 cửa khẩu cảng biển của cả nước được phép nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.

Đồng chí Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương thông tin về các cơ chế chính sách khuyến khích của Trung ương và địa phương đối với lĩnh vực XNK và XNK qua

Cảng Nghi Sơn

Tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2022-2026; trong đó, chính sách này thực hiện hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các DN sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường mới.

Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự hội nghị.

Đặc biệt, để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và DN thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động XNK qua hệ thống Cảng Nghi Sơn, ngày 13-7-2022 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND (NQ 248) về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.

Theo đó, chính sách từ NQ 248 đã tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các DN vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026.

Với mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn, đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn tại các chính sách từ Nghị quyết 248/NQ-HĐND kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động lưu thông hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là hoạt động XNK hàng hóa bằng container.

Sau khi chính sách từ NQ 248 được ban hành, tỉnh Thanh Hoá cũng đã tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị... nhằm thu hút các nhà đầu tư logistics, hãng tàu và DN; đôn đốc các nhà đầu tư khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị nâng hạ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa; hỗ trợ pháp lý, cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động XNK cho các hãng tàu, DN; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đơn vị khi thực hiện XNK hàng hóa qua cảng Nghi Sơn.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Xuân Cương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa cũng đã trình bày những nỗ lực và cam kết trong cải cách thủ tục hành chính hải quan, như: hỗ trợ người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan, hỗ trợ thực hiện các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, lai dắt tàu nhằm kết nối, chia sẻ, đồng hành cùng các DN đầu tư, kinh doanh tại cảng biển Nghi Sơn.

Đồng chí Lê Xuân Cương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa thông tin về tình hình cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi cho các DN XNK.

Cục Hải quan cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích DN đầu tư, sản xuất và thu hút DN đầu tư, kinh doanh tại cảng biển Nghi Sơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan thông qua triển khai hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS; vận hành Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, bảo đảm 100% DN đã tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức khai báo điện tử, góp phần giảm thời gian thông quan, chi phí của DN; kết nối giúp các DN XNK, DN kinh doanh cảng, đại lý làm thủ tục hải quan, các DN kinh doanh dịch vụ logistics … gặp gỡ, nắm bắt cơ hội kinh doanh qua địa bàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn.

(Nguồn:Baothanhhoa.vn)