(Thanhhoa.dcs.vn): Hiện nay, hầu hết các trà lúa vụ Mùa đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, một số diện tích đã bắt đầu trỗ bông.
Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trùng với thời điểm phát sinh của nhiều đối tượng sâu bệnh hại, dự báo từ nay đến cuối vụ, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ nở rộ và gây hại trên tất cả các trà lúa trong tỉnh với mật độ cao; sâu đục thân 2 chấm lứa 5 tiếp tục gây hại nhẹ, tỷ lệ hại tăng; rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 tiếp tục gây hại trên các trà lúa, mật độ tăng nhanh trong điều kiện nắng mưa xen kẽ; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại, phát triển mạnh sau các trận mưa rào kèm theo gió mạnh; bệnh khô vằn tiếp tục gây hại, tỷ lệ bệnh và diện tích nhiễm tăng.
Để thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa vụ Mùa năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Công văn số 3916/SNN&PTNT-TT&BVTV đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để xác định, phân loại trà lúa, tiến hành điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của thôn, xã về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh; tổ chức giao ban theo cụm hoặc từng đơn vị khi có nguy cơ sâu bệnh gây hại nặng để có phương án, biện pháp phòng trừ hiệu quả. Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật, sử dụng các loại thuốc, chế phẩm bảo vệ thực vật phù hợp để phòng trừ các loại sâu bệnh, như: sâu cuốn lá nhỏ; rầy nâu, rầy lưng trắng; các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn, lùn sọc đen phương Nam... Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.